Ngân hàng CHSXH huyện Phước Sơn: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương

TRỌNG Ý - BÁ DUY 19/07/2021 17:48

(QNO) - Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Phước Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời đưa nguồn vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. 

Từ đó, đã có hàng nghìn người nghèo, đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi heo bò, trồng keo, trồng cây ăn quả... mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đưa Phước Sơn hoàn thành mục tiêu và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo mà nghị quyết Đảng bộ đề ra.

Chị Nguyễn Thị Tá nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để mở rộng mô hình sản xuất của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tá nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để mở rộng mô hình sản xuất của gia đình.

Nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chính quyền huyện Phước Sơn đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết vốn vay cho người lao động có nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương phân bổ cho Ngân hàng CSXH huyện số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Từ số tiền này, ngân hàng đã kịp thời giải ngân cho 79 hộ vay vốn. Riêng trong năm 2021, ngân sách địa phương chuyển sang 600 triệu đồng để cho vay các đối tượng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và trồng cây dược liệu, đạt 200% kế hoạch.

Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều mô hình, dự án của huyện đã phát huy hiệu quả cao. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Tá (xã Phước Xuân), được sự “tiếp sức” của Ngân hàng CSXH đã vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất. Bà Tá cho biết, trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng, dù có chịu khó đến mấy cũng chỉ đủ ăn. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai phù hợp để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, từ nguồn vốn ưu đãi ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình bà mở rộng mô hình vườn đồi, trồng thêm 2ha cây keo, hơn 100 gốc ổi, cam Vinh… Từ đó, 4 thành viên trong gia đình có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và cuộc sống ngày càng tốt lên.

Không riêng gia đình bà Tá, những năm gần đây nguồn vốn tín dụng địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH đã trở thành trợ lực quan trọng tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

TRỌNG Ý - BÁ DUY