Giảm nghèo phải từ cơ sở

DIỄM LỆ (thực hiện) 18/07/2021 07:46

Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 22.368 hộ (9 huyện miền núi 15.357 hộ, 9 huyện đồng bằng 7.011 hộ). Năm 2021, UBND tỉnh giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo cho 16 huyện (trừ TP.Tam Kỳ, TP.Hội An không còn hộ nghèo để giảm) là 2.000 hộ, UBND 16 huyện giao chỉ tiêu về xã, thị trấn giảm 2.454 hộ nghèo. Đến 15.5, toàn tỉnh chỉ có 1.605 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. 

Chỉ khi có sinh kế bền vững, hộ nghèo mới tự tin đăng ký thoát nghèo. Ảnh: D.L
Chỉ khi có sinh kế bền vững, hộ nghèo mới tự tin đăng ký thoát nghèo. Ảnh: D.L

Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo huyện Núi Thành, Nam Giang, Đại Lộc - một trong những địa phương đăng ký số hộ giảm nghèo năm 2021 rất thấp so với chỉ tiêu giao. Cụ thể: Núi Thành 0/20, Đại Lộc 27/200, Nam Giang 107/260.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành: Không thể đăng ký thoát nghèo trong năm 2021

Theo kết quả phân tích số liệu hộ nghèo năm 2020, trên địa bàn Núi Thành còn 713 hộ nghèo (tỷ lệ 1,62%). Trong đó, phân tích thực trạng hộ nghèo cụ thể gồm có 597 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, 116 hộ nghèo là người cao tuổi, đau ốm không có khả năng lao động. Vì vậy, số hộ nghèo còn lại đều thuộc diện không có khả năng thoát nghèo, nên không thể đăng ký thoát nghèo trong năm 2021.

Thời gian tới, huyện Núi Thành tập trung vào công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo. Hoạt động này có thể thực hiện theo hình thức kêu gọi hỗ trợ đời sống, nhận đỡ đầu hộ nghèo hàng tháng. Trong đó, vai trò của các cấp ủy, chính quyền và hội đoàn thể rất quan trọng, nhằm vận động các nguồn lực, chung tay trợ sức cho hộ nghèo diện không thể thoát nghèo này nâng cao mức sống.
Gặp gỡ, động viên, giải thích là cách làm mà nhiều địa phương đã thực hiện trong giảm nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Gặp gỡ, động viên, giải thích là cách làm mà nhiều địa phương đã thực hiện trong giảm nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: Sẽ nỗ lực trong thời gian tới

Đại Lộc mới có 27 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13. Chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho Đại Lộc là 200 hộ thoát nghèo trong tổng số 1.129 hộ nghèo toàn huyện. Việc đăng ký hộ thoát nghèo thấp so với chỉ tiêu tỉnh giao có nhiều nguyên nhân như: sự vào cuộc vận động, tuyên truyền để hộ nghèo đăng ký thoát nghèo chưa kịp thời, có một bộ phận hộ nghèo hội đủ điều kiện nhưng lại không đăng ký thoát nghèo. Nguồn vốn giảm nghèo năm 2021 chưa được phân bổ, trong đó có vốn hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo thực hiện mô hình sinh kế để thoát nghèo bền vững.

Đơn cử, Đại Sơn là xã được thụ hưởng Chương trình 135 đến hết tháng 6.2021, sau đó chuyển qua xây dựng nông thôn mới. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Đại Sơn là 44,94%, đến nay còn 9,99%, tương đương 110 hộ nghèo.

Năm 2021, huyện giao chỉ tiêu cho xã phải hỗ trợ 40 hộ thoát nghèo, nhưng đến nay chỉ có 1 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Qua rà soát, UBND xã Đại Sơn có 30 - 35 hộ không đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo hoặc một số hộ chỉ đủ khả năng thoát nghèo lên cận nghèo, nhất là có hộ đủ điều kiện thoát nghèo nhưng không đăng ký vì trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chưa kể, giai đoạn 2021 - 2025 khi áp dụng tiêu chí đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ tăng cao trở lại. 

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Đại Lộc sẽ tuyên truyền mạnh hơn nữa về Nghị quyết 13 để người dân đăng ký. Huyện sẽ thực hiện giảm nghèo bằng mọi nguồn lực, giải pháp như đối thoại, giải thích, vận động trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo.

Các hội đoàn thể vào cuộc vận động từ cơ sở, xuất phát từ thực trạng của hộ nghèo để có định hướng hỗ trợ phù hợp. Trong 6 tháng cuối năm, để giảm được thêm 173 hộ nghèo là rất khó, nhưng huyện đặt quyết tâm phải thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo mà UBND tỉnh giao, dù hộ nghèo không đăng ký nhưng nếu qua rà soát hội đủ điều kiện thì không thể để ở diện hộ nghèo mãi. 

Ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang: Vận động người dân vươn lên

UBND huyện Nam Giang đã giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ thoát nghèo cho các địa phương trên cơ sở thực trạng hộ nghèo có khả năng thoát nghèo (thông qua việc thụ hưởng từ các chương trình, chính sách hỗ trợ trong những năm qua; giải quyết việc làm của từng hộ…).

Tỉnh giao 260 hộ, huyện giao lại xã giúp đỡ 300 hộ thoát nghèo bền vững. Đến 30.6, toàn huyện có 107/260 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo năm 2021 (chỉ đạt tỷ lệ 41,15% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao).

Nguyên nhân trước tiên là do nhận thức của không ít hộ nghèo về chủ trương, chính sách khuyến khích thoát nghèo còn có mặt chưa đầy đủ, hay nói cách khác tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn vươn lên thoát nghèo vẫn còn trong tâm lý của không ít người dân, trong đó có hộ nghèo.

Hậu quả của thiệt hại sản xuất, nhà cửa do thiên tai vào cuối năm 2020 vẫn còn tác động đến đời sống, thu nhập của nhân dân. Thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, năm 2020 đã đánh mất cơ hội phát triển chăn nuôi, vì đến nay mới trong giai đoạn khôi phục, tái đàn, chưa tạo ra sản phẩm thương mại, tạo nguồn thu nhập.

Dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài đã tác động không nhỏ đến giải quyết việc làm cho lao động, trong đó có lao động thuộc diện hộ nghèo. Các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn đều bị tác động, ngưng trệ, không triển khai đảm bảo theo kế hoạch, ảnh hưởng đến việc giải quyết việc làm đối với lao động phổ thông tại địa phương trong năm 2021.

Nhiều trường hợp hộ gia đình ốm đau thường xuyên, tuổi cao không có sức lao động, gia đình đông con, nhiều người ăn theo hộ gia đình. Từ đó hộ nghèo không dám đăng ký thoát nghèo bền vững, bởi đăng ký phải có sinh kế. Việc đăng thoát nghèo năm 2021 theo quy định đến nay đã kết thúc; tuy nhiên, UBND huyện sẽ tiếp tục vận động người dân vươn lên thoát nghèo.

Huyện sẽ tăng cường công tác chỉ đạo đến các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo. Ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho hộ có đăng ký thoát nghèo năm 2021, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thoát nghèo của trung ương, của tỉnh. Đồng thời tập trung lồng ghép các chương trình, dự án năm 2021 để đẩy mạnh thoát nghèo trên địa bàn huyện trong năm 2021.

Phải có quyết tâm từ cơ sở và chính hộ nghèo

Để đạt được mục tiêu giảm 2.000 hộ nghèo và phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc thuộc chính sách người có công vào cuối năm 2021 là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh.

Các địa phương cần phải vào cuộc vận động, tuyên truyền để hộ nghèo hiểu được các chính sách của Nghị quyết 13, sau khi thoát nghèo vẫn còn điểm tựa kéo dài 3 năm sau để ổn định cuộc sống.

Một số huyện có số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững quá thấp, cần tiếp tục vận động người dân đăng ký, hộ nào đủ điều kiện cần giải thích cho họ hiểu rõ ràng về chính sách. Kiên quyết đưa ra khỏi danh sách nếu hộ nghèo đã hội đủ điều kiện theo chuẩn thoát nghèo khi đánh giá đa chiều.

Về nguồn ngân sách khi được phân bổ sẽ chuyển ngay cho các địa phương để thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu tiên cho hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2021 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Đặc biệt, Nghị quyết 06 ngày 4.5.2021 và Kế hoạch số 3311 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy cần được các địa phương thực hiện ngay. Cần phải đưa nghị quyết vào cuộc sống, chung tay vì người nghèo, hộ nghèo.

Các hội đoàn thể vào cuộc từ đầu, bám sát hội viên, đoàn viên để hỗ trợ, giúp đỡ đúng với nguyện vọng, thực trạng của hộ nghèo, tuyệt đối không áp đặt nội dung hỗ trợ không sát thực, không phù hợp.

Với hộ nghèo có thành viên là người có công, cần ưu tiên tập trung nguồn lực, phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đồng hành, giúp đỡ thoát nghèo theo mục tiêu phấn đấu đã đề ra. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân)

DIỄM LỆ (thực hiện)