Lãng đãng Bãi Hương
Cù Lao Chàm là một trong số hiếm hoi lựa chọn mà du khách có thể trải nghiệm trong mùa hè này do hạn chế dịch bệnh. Đặt chân lên đảo ngọc, nhất định phải ghé lại Bãi Hương để thăm thú, khám phá những điều thú vị bất tận từ cảnh sắc, con người nơi đây.
Do quy định hạn chế đặt chân lên đảo từ chính quyền địa phương để phòng chống dịch bệnh nên hiện tại chỉ có du khách nội tỉnh mới được ghé Cù Lao Chàm. Số du khách ít ỏi còn lại phần lớn cũng thích ghé thẳng Bãi Làng hơn vì thuận tiện nên Bãi Hương mùa này yên ả như những ngày chưa có bóng dáng của hoạt động du lịch hàng chục năm về trước.
Từ đất liền cập bến ở Bãi Làng, để ngược lên Bãi Hương mất chừng 20 phút vòng vèo bằng xe máy qua những con dốc khá khúc khuỷu. Hai bên đường, một bên vách núi thoai thoải, một bên mỏm đá đâm sát ra biển.
Thi thoảng cheo leo bên mỏm đá, hoa ngô đồng bắt đầu lặng lẽ khoe sắc. Chẳng dập dìu, chộn rộn như Bãi Làng hay Bãi Ông, không gian Bãi Hương sâu lắng đón lữ khách bằng tiếng gió vi vu và những con đò neo trên mạn sóng. Con đường bê tông chạy ngang qua làng, rẽ bất kỳ một lối tắt xuống biển du khách sẽ bắt gặp những con sóng tung bọt trắng dội lên các phiến đá phủ thềm rêu xanh.
Ở Cù Lao Chàm, mỗi tên bãi đều mang trong mình đặc trưng riêng của xứ đất đó. Ví như Bãi Bìm thì có rất nhiều dây bìm bìm mọc, Bãi Xếp có nhiều ốc xếp còn Bãi Tra lại có nhiều cây tra. Nhưng Bãi Hương thì những người cao niên ở đây vẫn chưa thể lý giải chính xác được vì sao có tên ấy.
Phải chăng bởi nơi này có nhiều ốc hương “trú ngụ” hay miền đất này vốn đã mang trong mình hương sắc riêng biệt để tiền nhân cảm thán vẻ đẹp của nó mà đặt thành Bãi Hương?
Ghé Bãi Hương, nán lại một chút với Miếu tổ nghề Yến. Loại “vàng trắng xứ Quảng” này bây giờ đã trở thành một sản vật quý giá với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ký. Từ xưa, ông cha ta đã khéo léo vượt bao gian nan để khai thác “lộc trời” ban cho vùng đất này.
Và Miếu tổ nghề Yến được tạo lập như một chứng tích cho bao thăng trầm của nghề yến. Theo tấm bia đặt tại miếu thì vào năm 1848, ngôi miếu được tôn tạo quy mô để tri ân các vị có công lớn trong nghề khai thác yến sào.
Một điều độc đáo nữa, trong khuôn viên di tích này hiện có hai cây di sản Việt Nam là cây kén và cây nánh tỏa bóng thâm trầm. Tương truyền, tuổi đời hai cây di sản này cũng bằng với thời gian tồn tại của Miếu tổ nghề Yến.
Ở đây, con người và thiên nhiên gần gũi đến nỗi thi thoảng đàn khỉ vẫn nhảy bổ vào hớt tay trên thức ăn của người dân hoặc du khách. Một chủ nhà hàng ở Bãi Hương kể, năm nay mất mùa trái cây rừng làm bầy khỉ thiếu ăn nên càng tỏ ra dạn dĩ.
Có lần hai con khỉ tranh thủ lúc cặp du khách ngoại quốc vừa cầm điện thoại lên “check-in” thì... tót ra khiêng trái dừa khệ nệ chạy. Vào đến bìa rừng chúng thay phiên hút nước dừa trong nỗi ngạc nhiên xen lẫn thích thú của du khách.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn An - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp chia sẻ, chúng tôi đang có kế hoạch để phát triển sản phẩm du lịch từ bầy khỉ này trong tương lai bằng việc cho chúng tương tác với du khách ở một khu vực nhất định.
Ở đây, chỉ có chừng 100 hộ dân sinh sống. Nếu lựa chọn lưu lại với Bãi Hương một đêm, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Hành trình tuyệt vời sẽ là cùng ngư dân vòng qua phía đông Hòn Lao dưới ánh hoàng hôn để chiêm ngưỡng từng đàn chim yến bay về tổ. Khi màn đêm buông xuống, lênh đênh trên thuyền câu mực và lai rai tận hưởng ngay thành quả của mình là kỷ niệm khó quên.
Tạm biệt Bãi Hương quay về đất liền, đâu đó ngân nga một câu ca dao truyền miệng nhiều thế hệ của cư dân nơi đây “Vi vu gió thổi hàng dừa/ Bãi Hương vọng tiếng đò đưa sớm chiều” như khiến du khách thêm thổn thức về một miền đất đầy nắng và gió…