Tạo động lực phát triển ngành tôm
(QNO) - Sáng 16.7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị; ở điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì.
Nhiều khó khăn
Diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2020 là 742.483ha (104,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 629.065ha, tôm chân trắng 113.418ha. Sản lượng thu hoạch đạt 900.000 tấn (tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019).
Theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng cuối năm, nước ta cần duy trì phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 740.000ha, trong đó 630.000ha nuôi tôm sú và 110.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Dự kiến, sản lượng tôm các loại đạt 980.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 633.000 tấn, còn lại là tôm khác. Cả nước phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8-4,0 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.
Do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, giá tôm đầu ra sụt giảm nên giá trị kinh tế thu được không cao như kỳ vọng.
Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành tôm đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy vậy đang đối diện với hàng loạt khó khăn. Trước hết là tôm giống. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Vào mùa cao điểm thả giống, vẫn còn số lượng lớn tôm giống không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Trên phạm vi cả nước, còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng tôm giống nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là một trong những mối nguy gây ra bệnh trên tôm nuôi và bùng phát thành dịch bệnh.
Giá thành sản xuất tôm ở nước ta nói chung, Quảng Nam nói riêng, vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất; chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện nên chi phí cao.
Ngoài ra, cũng phải nói đến giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu nuôi tôm cũng rất cao. Trong khi đó, hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo. Hệ thống thủy lợi nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, cấp thoát nước không đảm bảo nên dễ phát tán, lây lan dịch bệnh.
Cú hích mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nên các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các khó khăn, duy trì tốt sản lượng tôm nuôi, cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu.
“Chính phủ đã giao cho chúng ta đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Nhất thiết phải giải quyết các bất cập hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nói về giải pháp trọng tâm của ngành tôm trong thời gian tới, ông Trần Đình Luân cho rằng, trước hết phải tiếp tục triển khai hiệu quả Luật thủy sản 2017, quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng tôm nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Cả nước chung tay triển khai các đề án, chương trình như Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030.
Cũng theo ông Luân, vấn đề quan trọng là tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng con tôm, đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Về phía Quảng Nam, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, sẽ tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Quảng Nam tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở ương nuôi, kinh doanh tôm giống, thức ăn nuôi tôm, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường. Đặc biệt, tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm nuôi trên địa bàn tỉnh.