Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH 14/07/2021 10:30

Gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly, dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Đây là vấn đề ngành dân số đang gặp phải trong lúc cao điểm của đại dịch Covid-19...

Nhiều hoạt động truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Ảnh: M.A
Nhiều hoạt động truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Ảnh: M.A

Lựa chọn thông điệp “Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người” nhân Ngày dân số thế giới (11.7) vừa qua, Quỹ dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) lần nữa kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Tổ chức này nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. 

Gián đoạn trong tiếp cận

Theo một nghiên cứu của UNFPA, ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Gián đoạn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lại càng trở nên trầm trọng hơn khi những dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.

“Dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm “cấp bách” khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này” - nhìn nhận từ một nghiên cứu của UNFPA. 

Tại Quảng Nam, ông Phan Đình Nhân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các nhóm dân số, trong đó phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Với một số người khác thì do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên có thai ngoài ý muốn.

“Điều đáng lo ngại là khi phụ nữ không thể thực hiện được quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai” - ông Nhân nói. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Nam đã cấp phát miễn phí hơn 11 nghìn viên uống tránh thai, 4.800 lọ thuốc tiêm tránh thai cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ cho đối tượng thuộc diện cấp miễn phí.

Gắn triển khai dịch vụ với bảo hiểm xã hội

Không chỉ riêng thời kỳ dịch Covid-19, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng thường gặp khá nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 cho thấy, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ.

Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Cùng với đó, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai cũng như sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt 86,4%. Ngay ở Quảng Nam, hiện tại 2 địa phương Tây Giang và Nam Trà My vẫn chưa thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh - sơ sinh, trong khi hiện toàn tỉnh mới chỉ có 3.616 trẻ được thực hiện chương trình này. 

Ông Phan Đình Nhân cho biết, thời gian sắp tới, Quảng Nam sẽ củng cố mạng lưới dịch vụ dân số, trên cơ sở triển khai, mở rộng dịch vụ thông qua các loại hình, cơ sở dịch vụ công lập hiện có. Đồng thời tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng, thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua internet.

“Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực y tế ngoài công lập tham gia cung cấp các dịch vụ dân số. Ngoài ra, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình dịch vụ gắn với triển khai thực hiện gói bảo hiểm y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại của mọi nhóm đối tượng, nhất là vị thành niên, thanh niên. Nghiên cứu triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dân số - sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình phù hợp với vùng sâu, vùng xa, miền núi và địa bàn khó tiếp cận (dân di cư tự do, khu công nghiệp, hải đảo, vùng đồng bào công giáo)” - ông Phan Đình Nhân chia sẻ thêm.

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH