Thu ngân sách nội địa 6 tháng cuối năm: Khó tăng thu trong ngắn hạn
Thu ngân sách nội địa đã tăng 65% so cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch cả năm 2021 thu 16.000 tỷ đồng sẽ không là chuyện khó. Nhưng để có được nguồn lực ngân sách dồi dào cho năm 2021 là điều không dễ định lường.
Đột biến nhưng… bấp bênh
Thu ngân sách khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt thấp (39% kế hoạch năm và bằng 73% so với cùng kỳ năm trước). Đóng góp lớn nhất trong khu vực này là Nhà máy bia Heineken (chiếm 64,9% dự toán nộp ngân sách của khu vực FDI); tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách từ doanh nghiệp này chỉ đạt 432 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng kế hoạch năm.
Một trong 3 trụ cột thu ngân sách nội địa Quảng Nam (ô tô, thủy điện và bia) đã bị giảm sút. Hàng loạt doanh nghiệp thương mại, du lịch, dịch vụ chưa thoát khỏi đà suy giảm.
Nhưng, thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm được công bố ước khoảng 10.420 tỷ đồng (đạt 65,1% dự toán, tăng 65% so cùng kỳ). Nếu không bao gồm thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì số thu nội địa đã đạt 9.382 tỷ đồng (đạt 64,8% dự toán và tăng 69,8% so cùng kỳ).
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính cho hay, 3 nguồn thu từ doanh nghiệp FDI (707/1.695 tỷ đồng, bằng 84,9% so cùng kỳ, đạt 41,7% dự toán); thu phí, lệ phí (76 tỷ đồng, bằng 72% so cùng kỳ, đạt 40% dự toán); nguồn thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản tại xã (4,5 tỷ đồng, bằng 73% so cùng kỳ, đạt 37,5% dự toán) chưa đạt tiến độ. Các nguồn thu còn lại đều đạt, vượt tiến độ dự toán.
Điều gì đã đem đến con số bất ngờ, đột biến khi nền kinh tế địa phương chưa thể hồi phục hoàn toàn này? Theo các phân tích cho thấy, khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước trung ương đạt 66,7% dự toán (310 tỷ đồng), tăng 56,7%.
Con số tăng trưởng này nhờ các nhà máy thủy điện (chiếm 71% số thực thu khu vực này) đủ nước phát điện (nộp 220 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch). Khu vực DN nhà nước địa phương đạt 68,7% dự toán (92 tỷ đồng), tăng 89%.
Chủ yếu của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam nộp 53 tỷ đồng thuế thu nhập DN từ hoạt động kinh doanh bất động sản của dự án Trường Đồng và dự án ADB năm 2020 quyết toán nộp quý I.2021 và Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu nộp 5,8 tỷ (98% kế hoạch).
Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh ước thu 6.760 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, tăng 110% so cùng kỳ năm ngoái. Số tăng trưởng lớn dựa vào Trường Hải. Tập đoàn này nộp hơn 5.490 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch (5.490/7.300 tỷ đồng), chiếm 81% số thực thu ở khu vực này.
Chỉ tính riêng sản lượng tiêu thụ ô tô tháng 12.2020 tăng mạnh và kê khai nộp thuế trong tháng 1.2021 là 2.160 tỷ đồng, đạt 29,6%. Số còn lại, từ tháng 2 đến tháng 6, tiến độ thu từ tập đoàn này đều đạt. Trung bình mỗi tháng Trường Hải đóng góp vào ngân sách nội địa địa phương khoảng 666 tỷ đồng.
Không dễ định lường
Sẽ là dễ dãi nếu nhận định tăng thu ngân sách cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với thị trường khó khăn. Nhưng, thực tế không phải vậy nếu nhìn vào cơ cấu thu hiện tại. Trường Hải có số nộp ngân sách cao, nhưng là số nộp của tháng 12.2020 chuyển sang. Khu vực doanh nghiệp địa phương tăng thu không từ năng lực sản xuất, kinh doanh chuyên ngành mà từ các dự án bất động sản...
Thời gian tới, dự báo dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. DN du lịch kiệt quệ, không thể lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Số thuế thu được từ khu vực này sẽ không có gì tiến triển. Số thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản hay yến sào vào mùa... sẽ có thêm một ít ngân sách, nhưng không đáng kể.
Tất cả trông chờ vào năng lực sản xuất của doanh nghiệp, nhưng những phát sinh kinh tế thiếu hụt và không còn những khoản thu đột biến như 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý khẳng định thu 16.000 tỷ đồng theo kế hoạch ấn định cho năm 2021 không phải là quá khó.
Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính, tăng thu kỷ lục nhưng cũng đầy rủi ro khi các ngành kinh tế dịch vụ vẫn ảnh hưởng. Các nguồn tăng thu cao sẽ giảm dần các tháng sau (ô tô, bia, thủy điện). Song, nhiều khả năng, thu ngân sách sẽ đạt và vượt chỉ tiêu.
Thu đúng dự toán không phải là điều căng thẳng. Nhưng mong muốn có được nguồn ngân sách dồi dào và ổn định là điều không dễ định lường. Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho rằng ngành thuế đã hoàn tất các kịch bản, phương án tăng thu từ các ngành còn dư địa tăng thu. Con số dự toán có thể dễ dàng đạt được. Song, điều đáng lo nhất là sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần, khó có thể tăng thu trong ngắn hạn.
Trong một diễn biến liên quan, trái ngược với hình ảnh nhiều DN du lịch gần như tê liệt, 90% thiếu tiền trả điện nước, thuê nhà xưởng, phải đóng cửa hay rao bán rất nhiều thì khảo sát của Cục Thống kê dấy lên tín hiệu lạc quan.
Theo thống kê, có khoảng 47,6% DN ngành chế biến, chế tạo (động lực chính của thu nộp ngân sách) dự báo sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn các quý trước. Số DN cho là khó khăn chỉ còn khoảng 20,7%. Khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng cũng có chiều hướng gia tăng hơn nhiều so với 6 tháng qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng không còn cách nào khác hơn là phải thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư... để tạo ra nguồn thu bền vững. Cần phân tích đầy đủ, kịp thời tác động của bệnh dịch và chính sách gia hạn, thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí của Chính phủ đến sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Nền kinh tế sẽ còn khó khăn, cần xây dựng phần mềm theo dõi, phân tích những biến động của DN, diễn biến thị trường, bắt được “bệnh” để hỗ trợ DN. Cần khai thác các nguồn thu, chống thất thu lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vận tải, quản lý tốt nguồn thu xây dựng cơ bản vãng lai...
Theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách hàng tháng, quản lý tốt các nguồn thu phát sinh, nợ đọng thuế, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế, khu vực, nhất là các DN có số thu lớn để đề ra các giải pháp cụ thể kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước” – ông Thanh nói.