Biến thể SARS-CoV-2 đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

KIM OANH 11/07/2021 15:04

(QNO) - Sự bùng nổ các biến thể SARS-CoV-2 và khả năng tiếp cận vắc xin kém ở các nước đang phát triển đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo tài chính G-20 "bật đèn xanh" về thỏa thuận thuế toàn cầu.

Các bộ trưởng tải chính G-20 tại cuộc họp ngày 9.7 vừa qua. Ảnh: Reuters
Các bộ trưởng tải chính G-20 tại cuộc họp mới nhất tại Venice của Italia. Ảnh: Reuters

Ngày 10.7.2021, tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên diễn ra ở thành phố Venice của Italia kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ cuộc thảo luận của G-20 vào tháng 4 vừa qua  nhờ vào việc triển khai vắc xin và các gói hỗ trợ kinh tế.

Tuy nhiên, sự mong manh trong hồi phục kinh tế toàn cầu xuất hiện kể từ khi các biến thể của vi rút corona mới hay vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 như Delta lây lan nhanh.

Tiêm phòng vắc xin vẫn là công cụ hiệu quả nhất để ngăn chặn Covid-19. Do đó, G-20 nhấn mạnh sự ủng hộ đối với việc chia sẻ công bằng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Bởi, trong khi một số quốc gia giàu có nhất hiện đã tiêm cho hơn 2/3 công dân của họ ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19, tỷ lệ này đạt dưới 5% đối với nhiều quốc gia như tại khu vực châu Phi.

Brandon Locke - thuộc nhóm y tế cộng đồng phi lợi nhuận ONE Campaign nói: "Việc kém tiếp cận vắc xin không chỉ khiến các quốc gia nghèo hơn phải trả giá bằng mạng sống mà còn làm tăng nguy cơ các biến thể mới corona sẽ tàn phá các quốc gia giàu có hơn".

Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, hợp tác quốc tế để tất các mọi người trên toàn cầu được tiếp cận với vắc xin Covid-19 có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới và thêm 9.000 tỷ USD vào thu nhập toàn cầu vào năm 2025.

Do đó, G-20 sẽ quay lại vấn đề tài trợ vắc xin cho các nước nghèo trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italia) vào tháng 10 tới và rằng các biến thể mới là một lĩnh vực cần được xem xét.

Mục tiêu đề ra nhằm bảo đảm một « sân chơi bình đẳng và công bằng cho các doanh nghiệp »
Thỏa thuận thuế toàn cầu nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng và công bằng cho các doanh nghiệp. Ảnh: Alamy

Cũng tại cuộc họp, các bộ trưởng kinh tế của G-20 thống nhất ủng hộ về thỏa thuận đánh thuế ít nhất 15% các tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Google, Apple, Amazon. 

Thỏa thuận thuế toàn cầu giúp các chính phủ trên thế giới thu thêm thuế khoảng 150 tỷ USD hằng năm, đồng thời xóa những thiên đường thuế. Đây là nguồn trợ lực quan trọng giúp các nước phục hồi kinh tế trong bối cảnh tài khóa eo hẹp, đặc biệt do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi đây là hiệp định thuế quốc tế quan trọng nhất trong một thế kỷ, chấm dứt hiện tượng các đại tập đoàn mở chi nhánh tại các thiên đường thuế khóa để chuộc lợi.

Trước đó, biện pháp áp thuế toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia đã được 131 quốc gia bao gồm một số thành viên của ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Brunei thông qua trước đó. Những quy định cụ thể sẽ được nghiên cứu từ nay đến tháng 10.2021 và có thể sẽ được áp dụng ngay từ năm 2023.  

KIM OANH