Bùng nổ khám bệnh từ xa tại Mỹ

QUỐC HƯNG 10/07/2021 06:00

Thị trường dịch vụ khám bệnh từ xa (KBTX) trên toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Mỹ trở thành quốc gia đi đầu về đầu tư y tế từ xa.

Một bác sĩ đang tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân từ xa. Ảnh: Time
Một bác sĩ đang tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân từ xa. Ảnh: Time

Trang Fortune Business Insights dự báo, thị trường dịch vụ KBTX (telehealth) toàn cầu sẽ đạt gần 190 tỷ USD vào năm 2026, vượt xa con số 34,3 tỷ USD của năm 2018. Các công ty viễn thông toàn cầu thu hút đầu tư kỷ lục kể từ khi bắt đầu đại dịch. KBTX nhờ ứng dụng công nghệ thông tin là cuộc cách mạng trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp, thân thiện, bao gồm chẩn đoán, điều trị, tư vấn, xử trí tình huống khẩn cấp… ở khắp mọi nơi.

Dù không thay thế hoàn toàn được khám chữa bệnh trực tiếp, KBTXvẫn là xu hướng và là công cụ bổ trợ ưu việt trong nhiều trường hợp mà bệnh nhân không cần thiết phải đến phòng khám. Khi đó, dịch vụ mang đến sự nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp trong khi khách hàng cần trang bị thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính cầm tay… và kết nối internet.

Trong bối cảnh đại dịch lây nhiễm như Covid-19, KBTX càng phát huy hiệu quả ở nhiều tình huống như có thể tránh gây áp lực quá tải cho bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho bệnh nhân. Tại nhiều quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều như Mỹ thì những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể tự cách ly tại nhà, tư vấn để điều trị bệnh thông qua dịch vụ KBTX.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa còn hạn chế. Như năm 2015, tư vấn từ xa chỉ chiếm 1% số lượt khám của bác sĩ Mỹ, dù việc sử dụng internet phổ biến, thiết bị công nghệ phát triển mạnh.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 như hạn chế đi lại, tránh tụ tập đông người khiến bùng nổ dịch vụ KBTX. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa Mỹ và Liên minh chăm sóc sức khỏe Covid-19 cho thấy mức độ hài lòng cao về y tế từ xa của các bệnh nhân Mỹ, với 79% người được hỏi cho biết họ rất hài lòng với dịch vụ mà họ nhận được trong lần KBTX gần đây nhất và sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này trong tương lai. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 68% bác sĩ cảm thấy có động lực cá nhân để sử dụng nhiều dịch vụ trực tuyến hơn. 

Bà Wendy Katje (60 tuổi) - một bệnh nhân đa xơ cứng tại Mỹ vừa đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cho biết bà cảm thấy rất thuận tiện với dịch vụ này. Bà cũng nhận được điều chỉnh các loại thuốc điều trị cholesterol từ bác sĩ và có thể thường xuyên gặp được bác sĩ trực tuyến hơn.

Với việc bệnh nhân và bác sĩ ngày càng đánh giá cao lợi ích của dịch vụ KBTX, hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research (Mỹ) dự đoán dịch vụ sẽ có thể tiết kiệm cho ngành chăm sóc sức khỏe khoảng 21 tỷ USD vào năm 2025. Điểm thú vị nữa là dịch vụ cũng cho phép nhiều bệnh nhân ít phụ thuộc hơn vào “bác sĩ Google” vốn có nhiều rủi ro.

Tuy vậy, các chuyên gia cho biết, dịch vụ KBTX có thể gây trở ngại cho nhiều người  như thiếu công nghệ, kết nối, bị khiếm khuyết đòi hỏi những điều kiện đặc biệt để sử dụng dịch vụ chăm sóc ảo. Ngoài ra, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển trong thời kỳ đại dịch khiến dữ liệu bệnh nhân, quyền riêng tư, danh tính bị đánh cắp. Bởi vậy, dịch vụ KBTX cần đầu tư nhiều hơn nữa để giải quyết các thách thức trên.

“Khám chữa bệnh từ xa mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế và là vũ khí đặc biệt trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới” - ông Eric Topol - Giám đốc Viện nghiên cứu Scripps Research (Mỹ) chia sẻ.

QUỐC HƯNG