Tiếp tục các biện pháp mạnh phòng chống Covid-19
Quản lý nghiêm tại các chốt kiểm soát cũng như tiếp tục thực hiện cách ly theo quy định đối với người về từ vùng dịch, tăng cường trách nhiệm hơn nữa của các cấp ngành liên quan... nhằm đưa công tác phòng chống dịch lên mức cao nhất. Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch tại các địa phương, vào chiều qua 8.7.
Giữ an toàn cộng đồng
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn trước. “Dịch xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch trong cùng thời điểm và có nhiều biến chủng vi rút mới có khả năng lây nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn, chủng vi rút phổ biến trong đợt này làm tăng bệnh nặng hơn so với các đợt trước” - ông Mai Văn Mười nói. Do vậy, việc ứng phó với dịch bệnh trong thời điểm này cần sự tập trung cao độ của tất cả lực lượng.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam nói, đợt dịch lần thứ 4 này là vi rút chủng Delta với mức độ lây nhiễm rất nhanh.
“Các địa phương bùng dịch đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến chủng này. Cộng với dịch diễn biến nhanh, điều này cho thấy cần tăng cường truy vết xét nghiệm. Ví dụ như ca tại Quảng Ngãi có quê tại Núi Thành, khi vừa có thông tin thì CDC và Núi Thành đã triển khai công tác truy vết và xét nghiệm cho hơn 1.100 mẫu và tất cả đều âm tính.
Do đó, tăng cường công tác truy vết lấy mẫu là điều tất yếu và đây cũng là nguyên tắc phòng chống bệnh truyền nhiễm, cùng với biện pháp khoanh vùng cách ly. Do vậy, Quảng Nam đang làm đúng theo nguyên tắc này. Quảng Nam đang giữ an toàn cộng đồng nên phải cố gắng giữ đến đâu hay đến đấy” - ông Kiệm nói.
Cùng với việc tăng cường truy vết các trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan với địa phương, Quảng Nam đã triển khai tiêm chủng cho hơn 28.200 người, trong đó có 10.597 người tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Các nhân viên y tế từ huyện đến xã đều đã được tập huấn về cách thức tiêm vắc xin và lấy lấy mẫu xét nghiệm. Hiện tất cả nhân viên y tế các cấp của Quảng Nam đều có thể thực hiện các thao tác này, đáp ứng công tác phòng chống dịch trong mọi tình huống dịch.
Tiếp tục phân luồng, sàng lọc
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, với tình hình dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh, hiện không biết ai là F0. Cùng với đó, nhận định năng lực quản lý cách ly tại nhà của Quảng Nam vẫn còn yếu, do đó, ông Văn đề nghị cần phải chủ động trong việc sàng lọc và phân luồng người về từ các địa phương khác. Các khu công nghiệp phải nghiêm túc thực hiện xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ trong sản xuất kinh doanh.
“Sở Y tế đã tập huấn cho nhân viên y tế tại các khu công nghiệp, việc sàng lọc tại khu công nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể. Có những trường hợp được gọi là F liên quan. Do đó, tăng cường quản lý các quán ăn dọc đường, chỉ bán mang đi cho các lái xe đường dài và triển khai xét nghiệm sàng lọc cho những đối tượng này” - ông Văn nói.
Trong khi đó, đối với ngươi về từ TP.Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Kiệm cho rằng, khi toàn bộ TP.Hồ Chí Minh áp dụng chỉ thị 16 thì đương nhiên người dân tại đây là F1. “Như vậy, khi người dân tự đi về thì phải cách ly theo quy định của UBND tỉnh. Còn nếu có yêu cầu tiếp nhận từ TP.Hồ Chí Minh thì sẽ làm theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, nếu chống dịch không tuân thủ việc cách ly thì rất khó để dập dịch” - ông Trần Văn Kiệm nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, đôi khi chấp nhận phải đau trong thời gian ngắn để kiên quyết dập dịch triệt để, kiểm soát tình hình.
“Đối với người về từ TP.Hồ Chí Minh, thực hiện theo văn bản cao nhất của Chính phủ. Do đó, trường hợp về tự do sẽ phải cách ly 21 ngày; người về theo yêu cầu từ chính quyền TP.Hồ Chí Minh nhằm giảm mật độ, các cấp ngành phải dự lường các tình huống và sàng lọc.
Với những trường hợp như vậy sẽ cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên cần phải tính phương án phân loại, có trường hợp thực hiện cách ly tại nhà nhưng có những người phải cách ly tập trung” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Cho rằng khu vực Núi Thành hiện là vùng có nguy cơ cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu tăng cường việc giám sát cộng đồng, bố trí kinh phí hỗ trợ 1 triệu đồng/tổ tại địa phương này và toàn tỉnh. Ngành Y tế phải phối hợp với Sở Tài chính nhanh chóng triển khai việc mua sắm test nhanh kháng nguyên nhằm sàng lọc diện rộng.
Ngành Y tế rà soát lại các văn bản đã ban hành để có 1 văn bản thống nhất về việc cách ly người về từ vùng dịch. Sở Công thương phải có văn bản yêu cầu các khu công nghiệp chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch do UBND tỉnh quy định...