Hiệu quả mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường ở Cẩm Kim

N.QUỲNH - B.HUÂN 08/07/2021 16:53

(QNO) - Để hạn chế dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường, những năm qua các chủ trang trại, gia trại và người chăn nuôi trên địa bàn xã Cẩm kim (TP.Hội An) đã chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, dùng công nghệ xử lý chất thải… góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Ngô Văn Chức đầu tư xây lắp bể bioga để đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi. Ảnh: H.Q
Gia đình ông Ngô Văn Chức thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim đầu tư xây lắp bể bioga để đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi. Ảnh: H.Q

Hiện nay toàn xã Cẩm Kim có 111 hộ chăn nuôi trâu, bò, heo theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ, tập trung ở cả 3 thôn Phước Trung, Đông Hà và Trung Hà. Trong năm 2019, UBND TP.Hội An đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi này 5 triệu đồng/hộ để xây dựng chuồng trại có hệ thống xử lý nước thải, chống ô nhiễm môi trường.

Đến nay, Cẩm Kim có 81/111 hộ đã áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi theo mô hình chuồng trại an toàn, kiên cố, bảo vệ sinh môi trường khu dân cư, đạt trên 80%. Cạnh đó, xã tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi gia súc gắn với bảo vệ môi trường, được nhiều hộ chăn nuôi hưởng ứng nhiệt tình, góp phần giúp Cẩm Kim hoàn thiện tiêu chí về môi trường.

Thực hiện chương trình “Phát triển chăn nuôi ở địa phương gắn với bảo vệ môi trường", Đảng bộ, chính quyền xã Cẩm Kim đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, hướng đến phát triển bền vững. Xã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư, theo vùng quy hoạch.

Điển hình như mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Ngô Văn Chức (58 tuổi, thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim), ông đã xây dựng chuồng trại kiên cố bằng bê tông cốt thép rộng hơn 50m2. Hệ thống xử lý phân, nước thải của bò cũng được ông xây dựng theo quy trình khép kín gồm có 5 hầm chứa, hầm rút…

“Trước đây, tôi cũng phát triển chăn nuôi bò nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Cuối năm 2015, được chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyên truyền, vận động nên gia đình đã đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp (LCASP) và được dự án hỗ trợ 5 triệu đồng xây hầm biogas, thể tích 30m3. Nhờ đó, chất thải trong chăn nuôi được đưa xuống hầm, gia đình vừa có ga đun nấu, lại tránh ô nhiễm môi trường” - ông Chức cho hay.

Mô hình bể lắng ngầm ủ phân tại một trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Cẩm Kim (TP.Hội An).
Mô hình bể lắng ngầm ủ phân tại một trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Cẩm Kim (TP.Hội An). Ảnh: H.Q

Còn ông Phạm Lài (68 tuổi, thôn Đông Hà) với hơn 10 năm chăn nuôi heo chia sẻ: “Mô hình chuồng trại của tôi được thiết kế hệ thống hút mùi cho từng dãy gồm 2 bể biogas (dung tích từ 70 - 100m3/bể), 2 bể lắng (50m3/bể) và 1 ao để lọc chất thải có dung tích 1.000m3. Chỉ có làm tốt công tác xử lý chất thải thì mới hạn chế được mùi hôi trong chuồng trại, vật nuôi không bị dịch bệnh và lớn nhanh hơn, hạn chế thiệt hại kinh tế. Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng”.

Được biết, người dân đã áp dụng quy trình xử lý chất thải từ chăn nuôi gia súc bằng cách ủ vôi với men vi sinh vào phân gia súc. Từ đó, chất thải gia súc sau khi hoai mục được tận dụng để bón cho lúa và hoa màu, vừa tiết kiệm được tiền mua phân hữu cơ vừa không để phân tươi thải ra môi trường gây ô nhiễm.

Ông Lê Trung Tấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Kim cho biết: “Với đề án xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, địa phương chú trọng phát triển chăn nuôi đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, du lịch và an toàn dịch bệnh. Năm 2017, xã đã quy hoạch khu vực chăn nuôi bò tập trung, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư hiện nay và hướng đến một khu du lịch sinh thái sạch trong thời gian tới”.

N.QUỲNH - B.HUÂN