Kinh tế hồi phục và tăng trưởng tích cực

XUÂN PHÚ 06/07/2021 15:20

(QNO) - Sáng nay 6.7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các ngành, địa phương đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: X.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị. Ảnh: X.P

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong nửa đầu năm 2021, một số chỉ tiêu kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng cao; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; tổng thu ngân sách nhà nước vượt tiến độ, dự báo vượt dự toán năm.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng qua đạt hơn 30.910 tỷ đồng, GRDP tăng 11,7% (cùng kỳ năm 2020 âm 9,8%); là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng hơn 2 con số, đứng thứ 5 so với cả nước và cao nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P

Quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm gần 51.973 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 2 sau Đà Nẵng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu GRDP 6 tháng: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,6%; khu vực dịch vụ chiếm 32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 33,4% so với cùng kỳ; tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp (tăng 41,4%) do sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 30%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 82,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 16,5%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10,9%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%; chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 66,5% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phòng cho rằng kết quả 6 tháng qua là thần kỳ. Ảnh: X.P
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng kết quả 6 tháng qua là thần kỳ. Ảnh: X.P

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng là 13.475 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán năm và tăng 61% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 10.420 tỷ đồng, đạt 65% dự toán năm và tăng 65% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng cao chủ yếu do tăng thu ngành ô tô và thủy điện. Thu xuất nhập khẩu 3.055 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, tăng 49% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9.754 tỷ đồng, đạt 49% dự toán; trong đó, chi thường xuyên hơn 5.387 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 2.971 tỷ đồng. Tổng huy động trên địa bàn đạt 63.475 tỷ đồng, tăng 0,78% so với đầu năm và tăng 10,39% so với cùng kỳ.

Việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đạt được nhiều kết quả khả quan.

Lãnh đạo Tam Kỳ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P
Lãnh đạo TP.Tam Kỳ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.P

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng năm 2021 khoảng 14.660 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư công năm 2021 trên toàn tỉnh (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) là 7.594 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 15.6, tổng vốn đầu tư công năm 2021 đã giải ngân 1.372 tỷ đồng, đạt 18,1%; chủ yếu giải ngân ở các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng, hoàn thiện các hạng mục san lấp mặt bằng khu tái định cư, thông đường, phục hồi các vùng sạt lở do bão lũ gây ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và thời gian hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể là 78, tăng 20,5%; thông báo ngừng hoạt động 512 doanh nghiệp, tăng 33% so với cùng kỳ, cho thấy dịch bệnh đã tác động rất lớn đến khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch. Hơn 90% doanh nghiệp du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ ngân hàng, thuế, bảo hiểm, có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, có thể giải thể, phá sản; có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc kiến nghị tỉnh cần có giải pháp tập trung phòng chống dịch, cho kích hoạt máy xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, kiểm tra các chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1, tránh ùn ứ đông người, quan tâm tiêm vắc xin cho công nhân. Khâu giải phóng mặt bằng bị ách tắc cần có quy trình hướng dẫn cụ thể của Sở Tài nguyên - môi trường.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ đề nghị tỉnh quan tâm có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, giá đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đồng ý có thể tổ chức xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam ngay từ bây giờ nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của tỉnh, vừa phục vụ nhu cầu của người dân. Công tác phòng chống dịch cần được các địa phương tiếp tục quan tâm, nhất là huyện Núi Thành phải bố trí lực lượng tại chỗ.

XUÂN PHÚ