Về Tam Thanh nghe sóng

QUỐC TUẤN - LÊ QUÂN 04/07/2021 06:15

Mùa hè, Tam Thanh là một điểm đến tuyệt vời để mọi người thong dong qua đồi cát trắng vi vu nắng, gió rồi ngâm mình trong làn nước biếc của biển cả. Không chộn rộn như những mùa cao điểm du lịch biển trước đây, về Tam Thanh để được lắng lòng theo từng con sóng...

Bích họa ở Tam Thanh. Ảnh: X.H
Bích họa ở Tam Thanh. Ảnh: X.H

Từ lâu, biển Hạ Thanh và Tỉnh Thủy luôn là nơi được nhiều người lựa chọn giải nhiệt trong mùa hè. Nhưng quả thực, cả một vệt biển dài hoang sơ nơi đây còn nhiều bãi tắm đẹp mê hoặc hơn thế.

Từ nổng cát ở thôn Hòa Hạ, Hòa Trung và Thanh Đông nhìn về phía biển, những đợt sóng trắng xóa cứ chậm rãi nối tiếp nhau vỗ bờ như ngàn cánh hải âu xếp liền thành một dải. Con đường bê tông nhỏ chạy song song với bãi biển đầy cuốn hút với những người mê “check-in”, bởi những bức hình được ghi lại không “bật mí” địa điểm thì người xem dễ nhầm tưởng là đang ở một cung đường đầy nắng gió ở Nam Trung Bộ.

Thuyền to, thúng nhỏ nối dài trên bãi cát trắng phau. Xa xa hàng chục chiếc khác neo nhấp nhô trên mạn sóng. Giữa thời buổi đô thị hóa cấp tập, ngư dân Tam Thanh vẫn mộc mạc, yêu nghề như thời cha ông gian khó.

Tạm biệt con sóng, vừa lên đến đỉnh đồi thì dòng Trường Giang hiền hòa đã hiện ngay trước mặt. Chươm, nò lưới được người dân cắm rải rác trên mặt sông để đánh bắt cá, tôm - sinh kế bao đời nuôi nấng người dân trên doi đất nằm giữa miệt sông, biển.

Cuộc mưu sinh từ sông nước vốn lắm nhọc nhằn và lênh đênh nhưng cũng ghi dấu khung cảnh nên thơ, thanh bình của sông quê hòa cùng vẻ đẹp lao động của những vạn chài chân chất. Hàng chục, hàng trăm bức bích họa mới cũ đâu đó hiện diện khắp Tam Thanh đã khắc họa phần nào đời sống của người dân nơi đây khá ấn tượng để du khách thoải mái “check-in”.

Năm 2016, làng biển Tam Thanh bắt đầu hút khách du lịch khi cho ra đời hàng loạt bức bích họa đầy màu sắc và trở thành một trong những làng du lịch bích họa đầu tiên trên cả nước. Công bằng thì những bức bích họa đã giúp Tam Thanh “đặt chân” vào bản đồ du lịch. Nhưng nếu chỉ mãi thu mình với yếu tố này là không đủ.

Ông Võ Quang Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nhìn nhận, càng về sau này rất nhiều du khách chỉ ghé ngang làng “check-in” rồi rời đi chứ không hào hứng trải nghiệm vì sản phẩm cũng không có gì mới mẻ.

Thực ra, Tam Thanh còn rất nhiều dư địa để tạo ra thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc và cũng đã tổ chức được vài lần. Tuy nhiên một phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm lại thêm dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên còn nhiều người dân chưa mặn mà xem việc làm dịch vụ du lịch là sinh kế chính. 

Hiện nay, Tam Thanh có gần 400 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, trong đó Hợp tác xã Du lịch Tam Thanh và các hộ liên kết dịch vụ trải nghiệm là 40 người. Những cư dân gắn đời với làng, với biển quê nhà mới chính là chủ thể tạo ra nét đặc trưng riêng biệt có thể níu chân du khách ở lại với Tam Thanh. Họ sẽ phải lòng với những điều giản đơn, đôi khi chỉ là một đêm trắng chòng chành, lênh đênh trên dòng Trường Giang, hoặc những sớm mai kéo mẻ lưới cá tôm sóng sánh...

Tam Kỳ đang cố gắng tạo ra một vệt du lịch liên hoàn trên vùng đất ngã ba sông vào mùa hè. Tháng 4 say đắm với mùa sưa Hương Trà, tháng 5 hẹn hò với biển Tam Thanh và tháng 6 rong ruổi trong không gian nên thơ ở Bãi Sậy - Sông Đầm.

Và Tam Thanh có lợi thế lớn nhất để kéo khách lưu trú. Nhưng cần có dịch vụ về đêm để giữ chân khách ở lại với làng. Đây hẳn là điều cần lưu tâm khi Tam Thanh vẫn còn bảo tồn khá trọn vẹn các giá trị văn hóa phi vật thể của làng biển...

QUỐC TUẤN - LÊ QUÂN