Khám phá đại dương thứ 5 của thế giới
Bản đồ hành tinh của chúng ta sẽ chính thức có thêm một đại dương mới với tên gọi là Nam Đại Dương (Southern Ocean). Đại dương mới sở hữu hệ sinh thái độc đáo.
Đúng vào ngày Đại dương thế giới (8.6) năm nay, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (gọi tắt là NGS) chính thức công nhận đại dương thứ 5 trên trái đất. NGS bắt đầu lập bản đồ các đại dương vào năm 1915, nhưng mới chỉ chính thức công nhận 4 đại dương là Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nhà địa lý Alex Tait của NGS cho biết: “Nam Đại Dương từ lâu đã được các nhà khoa học biết đến, nhưng vì chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chúng tôi chưa bao giờ chính thức công bố đại dương thứ 5 này”.
Theo thông tin đăng tải trên chí National Geographic của NGS, Nam Đại Dương bao quanh Nam Cực, trải rộng từ đường bờ biển của châu lục này đến 60 độ vĩ nam, không gồm eo biển Drake và biển Scotia. Đại dương mới nhất này rộng khoảng 20,3 triệu km2 và có bờ biển kéo dài gần 18.000km.
Theo các nhà khoa học, điều thú vị là Nam Đại Dương được xác định nhờ vào một dòng hải lưu chứ không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương khác. Thêm nữa, Nam Đại Dương là đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác gồm Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và bao trùm toàn bộ một châu lục mà không có các châu lục khác nằm bao quanh như 4 đại dương còn lại.
Trong số những điểm ấn tượng khác đối với những nhà nghiên cứu khi đến với đại dương thứ 5 này là vùng biển với các sông băng có màu xanh thẫm hơn với các hệ sinh thái biển độc đáo, là nơi sinh sống của các sinh vật biển tuyệt vời như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu...
Ranh giới 60 độ vĩ nam của Nam Đại Dương gần trùng với ranh giới của Hải lưu Vòng Nam Cực (ACC). Các nhà khoa học ước tính ACC khoảng 34 triệu năm tuổi, được hình thành khi Nam Cực tách khỏi Nam Mỹ, mang đến dòng nước lạnh và ít mặn hơn so với phần phía bắc. ACC giúp hệ sinh thái Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài sinh vật.
ACC cũng đóng vai trò quan trọng với khí hậu Trái Đất. Trải dài từ bề mặt xuống tới đáy đại dương, hải lưu này vận chuyển nhiều nước hơn bất kỳ dòng hải lưu nào khác. Nó kéo nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giúp lưu chuyển nhiệt quanh hành tinh. Phần nước lạnh và đặc chìm xuống ngoài khơi Nam Cực cũng giúp giữ lại carbon dưới vùng biển sâu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện lo ngại biến đổi khí hậu đang làm thay đổi Nam Đại Dương. Như tháng trước, tảng băng trôi lớn nhất thế giới, có kích thước gấp ba lần thành phố Los Angeles, đã vỡ ra khỏi Nam Cực.
Vào tháng 2 năm nay, một tảng băng khác lớn hơn thành phố New York vỡ ra. Nước di chuyển qua ACC đang dần ấm lên. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), nhiệt độ nước dao động từ -2 độ C đến 10 độ C. Nếu Nam Đại Dương ấm lên 2 độ C, lượng băng che phủ ở các khu vực quan trọng có thể giảm tới 30%.
NGS hy vọng việc công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ 5 sẽ giúp đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn. Việc công nhận này cũng sẽ làm thay đổi không nhỏ đến ngành giáo dục nói riêng và khoa học nghiên cứu địa lý, khí hậu trái đất nói chung. Các loại bản đồ sẽ phải được vẽ lại, chương trình giáo dục về đại dương cũng sẽ có không ít thay đổi.