Nâng tầm thương hiệu du lịch
Việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, dù gặp rủi ro bất khả kháng từ đại dịch Covid-19 trong giai đoạn cuối nhưng vẫn đạt được dấu ấn lớn với nhiều chuyển động tích cực.
Giai đoạn tăng trưởng vượt bậc
Từ năm 2016 - 2019, lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn Quảng Nam tăng trưởng bình quân 21,3%/năm. Số lượng lao động trực tiếp vào khoảng 18 nghìn người.
Du lịch phát triển đã tạo diện mạo mới cho một số khu vực nông thôn, làng quê, giải quyết nhiều việc làm mới gắn với giảm nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh vào năm 2019 đạt gần 6%. Bên cạnh đó, nhiều đóng góp gián tiếp chưa thống kê được của các ngành dịch vụ khác như mua sắm, giải trí, vận tải, chăm sóc sức khỏe… phục vụ khách du lịch. Do đó, tổng đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh ước vào khoảng 10 - 12%, đạt mục tiêu đề ra của nghị quyết.
Tính đến hết năm 2019, các chỉ tiêu phát triển du lịch đề ra theo Nghị quyết 08 cơ bản đạt và có chỉ tiêu vượt. Cụ thể, đạt 7,79/8 triệu lượt khách, 18.000/20.000 lao động, 841/600 cơ sở lưu trú với 16.703/12.000 phòng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.500/15.500 tỷ đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các chỉ tiêu đến năm 2020 không đạt được như nghị quyết đề ra.
Trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch khoảng 1.450 tỷ đồng, ấn tượng hơn nguồn vốn đầu tư của khối doanh nghiệp lên đến 30 nghìn tỷ đồng. Một thông số cho thấy việc cơ quan chức năng dần chuyển sang công tác quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng khung, tạo điều kiện về cơ chế cho cộng đồng doanh nghiệp vận hành, phát triển.
Từ đó tạo ra nhiều khởi sắc cả về dịch vụ, sản phẩm lẫn doanh thu từ du lịch. Trong đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, “sếu lớn” trong lĩnh vực du lịch giúp lan tỏa không gian du lịch của tỉnh.
Từ Nghị quyết 08, các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch như: Nghị quyết 47 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi đến năm 2025, Đề án định hướng phát triển du lịch phía nam tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam, thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh…
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản thực hiện tốt mục tiêu kép cơ bản đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển du lịch.
Xoay xở trong bối cảnh mới
Du lịch Quảng Nam đang chuyển mình để hướng đến du lịch bền vững sau một thời gian tăng trưởng nóng để lại cho môi trường du lịch không ít hệ lụy, tuy nhiên lại gặp ngay đợt dịch Covid-19 khiến mọi thứ đều chững lại. Tuy nhiên, tỉnh vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế.
Với tham vọng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26 nghìn tỷ đồng (gần gấp đôi so với năm 2019), cho thấy du lịch Quảng Nam đang hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao.
Nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm trong việc triển khai Nghị quyết 08 trong 5 năm qua là việc thiếu quy hoạch tổng thể du lịch Quảng Nam, nhiều sản phẩm, lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hạn chế cả về chất và lượng.
Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần 4 (khóa XXII), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói, chúng ta phải nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến là xây dựng phương án phát triển du lịch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.
Bí thư Thị ủy Điện Bàn - Đặng Hữu Lên cho rằng, du lịch biển Quảng Nam đã phát triển khá tốt nhưng tiềm năng du lịch sông hầu như vẫn bỏ ngỏ nên cần khẩn trương khai thác nhất là sông Thu Bồn. Hiện nay nhiều nhà đầu tư với hàng chục dự án đang rất mong muốn đầu tư vào du lịch đường sông nhưng đành phải chờ vì không có quy hoạch...
Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh đề xuất, tỉnh cần chú trọng hơn nữa phát triển du lịch đường thủy. Đến thời điểm nào đó khi đủ điều kiện nên cho loại hình du thuyền lưu trú trên sông vào hoạt động để đa dạng loại hình sản phẩm cũng như tạo nguồn thu lớn hơn cho ngành du lịch.