Giữa mùa ươi bay
Chờ đợi 7 năm, cây ươi mới lại ra hạt, chín rực khắp các ngả đồi. Từng đoàn người tỏa khắp các cánh rừng Phước Sơn để tìm lượm hạt ươi. Đó cũng là lúc người dân lẫn chính quyền phải nghĩ đến cách gìn giữ cây ươi như một đặc ân của rừng, bởi “lộc trời” không còn là bất tận.
Biệt đội nhặt ươi
Từ đường mòn Hồ Chí Minh, ngước nhìn lên những cánh rừng, khá dễ dàng để “định vị” cây ươi bởi màu sắc nổi bật của nó. Lá đỏ rực, thân vươn cao, vì thế cây ươi nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của những “biệt đội” đi hái lượm hạt ươi rừng.
Chúng tôi theo chân Hồ Văn Hạ, cán bộ xã Phước Xuân ngược lên ngọn đồi ở làng Lao Mưng. Từ dưới chân dốc, nhìn lên thấy rõ ba, bốn cây ươi vẫn còn đỏ ngọn: hạt ươi chưa rụng hết. Đường chim bay rất gần, nhưng đường đi bộ thì bở hơi tai bởi con dốc dựng ngược, phải băng qua một rẫy keo rồi mới leo lên được gần gốc ươi.
Những ngày qua, người dân từ khắp nơi đổ xô đến để thu lượm hạt ươi khá đông. “Có người đi từ 5 giờ sáng, chờ sẵn nơi gốc, vừa tìm kiếm những hạt ươi đã rụng, vừa canh chừng khi có gió mạnh, ươi rụng xuống là tìm nhặt. Những gốc ươi này đã bắt đầu rụng, từ vài ngày nay có đến hàng chục người vào khu vực này để nhặt” - anh Hạ nói.
Chúng tôi theo chân anh Hạ luồn qua những bụi lồ ô, bụi dang, có lúc phải khom người gần chạm đất để bò theo một lối mòn do người dân mở trước đó qua một bụi song mây dày. Dọc đường, đâu đâu cũng thấy phần cuống lá dính lấy hạt ươi, dấu vết người đi trước đã lấy hạt rồi bỏ lại. Đứng trưa, gặp vợ chồng anh Nguyễn Tình (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) giở cơm nắm ra ăn dưới một bụi dây leo rậm, cách không xa cây ươi.
“Tranh thủ cuối tuần, hai vợ chồng thử đi lượm ươi một bữa xem sao. Mấy ngày nay người ta đi nhiều lắm. Chịu khó lội quanh tìm thì một buổi cũng được đôi ba ký ươi, hơn đứt ngày công lao động nhiều. Hai vợ chồng vừa mới xuống được khoảng hơn một tiếng đồng hồ mà lượm được gần một ký ươi rồi” - anh Tình giơ bao hạt ươi đã gỡ cuống lá cho chúng tôi xem.
Rời chỗ anh Tình được vài bước, bắt gặp một thanh niên người bản địa đang luồn qua thân cây lớn tìm hạt ươi. Xung quanh ba gốc ươi mà chúng tôi tiếp cận, có đến hàng chục người bản địa đang tỏa ra tìm kiếm, lẩn khuất dưới những tán cây rậm.
Phải đến 7 năm, người dân ở huyện Phước Sơn mới thấy cây ươi lại cho hạt, thay vì chu kỳ 4 năm một lần như trước. Giá ươi bay, là hạt ươi đã khô, rụng xuống hiện được thu mua xấp xỉ 200 nghìn đồng mỗi ký, ngay ở bìa rừng. Giá cao, ươi lại trúng mùa, người dân địa phương đổ xô đi nhặt để kiếm thêm thu nhập. Ông Đặng Trọng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Xuân nói, thời điểm này người dân gần như bỏ các công việc để vào rừng lượm ươi.
“Thu nhập từ việc lượm hạt ươi cao hơn nhiều so với ngày công lao động nên cũng dễ hiểu việc người dân vào rừng tìm hạt ươi tăng đột biến. Xã dự lường được việc này nên từ nhiều tuần trước đã phối hợp với kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, cán bộ thôn tổ chức họp dân, quán triệt về chủ trương bảo vệ cây ươi cũng như giữ rừng, bảo vệ các nguồn lâm sản phụ khác.
Chúng tôi yêu cầu người dân tuyệt đối không chặt hạ, chỉ thu lượm ươi rụng theo cách thủ công. Xã và các ban quản lý rừng cũng đã tổ chức cho người dân đăng ký, phát phiếu vào khu vực có cây ươi để lượm hạt ươi, nghiêm cấm việc mang theo rìu, rựa, cưa… vào rừng. Việc phát phiếu giúp kiểm soát phần nào số lượng người đi lượm ươi, hạn chế tình trạng tác động đến cây ươi để hái quả. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phận, chủ yếu từ nơi khác đã luồn rừng, tìm cách “mé nhánh” tức chặt trụi các nhánh, hoặc cá biệt có trường hợp chặt hạ luôn cây ươi để lấy quả tươi” - ông Sơn thông tin.
Giữ lấy “lộc rừng”
Mùa ươi bay ở Phước Sơn năm nay đã khác, rất khác.
Gia đình của Nguyễn Đăng Khoa (thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân) làm nghề thu mua ươi đã nhiều mùa. Anh Khoa chia sẻ, dạo trước, việc chặt hạ ươi được xem là cách khai thác khá phổ biến, nhằm tận thu hạt ươi đã chín và ươi còn xanh, phơi khô để bán. Theo đó, chất lượng rõ ràng bị ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng lớn hơn, là hàng nghìn gốc ươi bị chặt hạ không thương tiếc giữa rừng. Rồi ươi mất mùa. Không phải 4 năm một lần, mà suốt từ 2014 đến nay, ươi mới lại ra hoa, cho hạt. Người dân bắt đầu biết quý.
Khoa kể, không chỉ ở thôn Lao Mưng, mà ở các xã khác, ươi chín đầy trên cây, người dân đi thật sớm, đến ngồi quanh gốc cây, chờ ươi rụng để nhặt. Trên mạng xã hội, người dân địa phương chia sẻ thông tin kêu gọi nhau cùng bảo vệ cây ươi, lên án việc “mé cành”, chặt hạ ươi để lấy hạt. Kể cả việc trèo lên cây cao để… rung cho ươi rụng cũng không được khuyến khích. Cây ươi không còn là “của riêng” theo kiểu ai đến trước xí phần, mà cộng đồng đã liên kết lại với nhau, cùng hưởng lợi và cùng bảo vệ.
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã có văn bản gửi các xã, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm túc việc vào Vườn quốc gia Sông Thanh khai thác lâm sản phụ, trong đó có hạt ươi.
Đầu tháng 6, khi cây ươi bắt đầu chín từ địa bàn Phước Xuân lên các xã vùng cao, một lần nữa chính quyền địa phương sớm vào cuộc, tăng cường chỉ đạo trong việc gặp gỡ, phổ biến cách thức khai thác bền vững, bảo vệ cây ươi, bảo vệ nguồn lợi cho chính người dân địa phương sau một thời gian dài cộng đồng đã tham gia gìn giữ và chăm sóc rừng.
UBND huyện Phước Sơn thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.
Giao UBND xã quán triệt thôn trưởng phổ biến đến người dân, đề nghị phải đăng ký với thôn khi đi thu lượm ươi, không chặt hạ cây ươi và tăng cường cảnh giác khi phát hiện người lạ từ địa phương khác đến, nhất là những người mang dụng cụ có thể chặt hạ cây rừng vào các khu vực rừng trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng.
“Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân thu lượm ươi, nhưng tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không trèo lên cây cao để rung lắc cho ươi rụng rất nguy hiểm đến sinh mạng, không chặt nhánh, cành ươi để lấy hạt” - ông Lê Quang Trung thông tin.
Một viễn cảnh tươi đẹp hơn đang được tính đến, khi chính quyền địa phương đã bắt đầu tính toán ươm trồng, phát triển cây ươi ở một số khu vực, nhất là các địa điểm du lịch, khu công viên, vùng sinh thái nằm trong đề án trồng mới hơn 3,7 triệu cây xanh ở Phước Sơn. Đó là câu chuyện của tương lai, nhưng ít nhất, khi giá trị cây ươi được khẳng định, khi cộng đồng biết trân quý, gìn giữ và khai thác bền vững, đã có ít nhiều thay đổi tích cực. Đó sẽ là điểm tựa cho màu xanh của núi, để “lộc rừng” không lặng lẽ bị tuyệt diệt bởi bàn tay con người.