Công bố số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021: Xác định động lực tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 01/07/2021 05:11

GRDP, thu ngân sách tăng cao nhưng nền kinh tế địa phương vẫn chưa hồi phục hoàn toàn… là những nét chính được Cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021, tổ chức vào hôm qua 30.6.

Gia tăng giải ngân đầu tư công, tìm kiếm động lực tăng trưởng là nhiệm vụ đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: T.D
Gia tăng giải ngân đầu tư công, tìm kiếm động lực tăng trưởng là nhiệm vụ đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: T.D

GRDP của Quảng Nam 6 tháng qua tăng hơn 11,7%, vượt xa con số 5,6% của cả nước, nhưng theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lê Quý Đạt, so với cùng kỳ năm 2019, chỉ tăng gần 0,8% thì mức tăng trưởng này vẫn chưa cao, cho thấy sự thích nghi, xu thế phục hồi của nền kinh tế trước ảnh hưởng của Covid-19 chưa hoàn toàn.

Theo các phân tích, khu vực nông lâm thủy sản ước tăng 3,2%, công nghiệp xây dựng tăng 33,4%, khu vực dịch vụ vẫn còn giảm 0,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,3%. Quy mô nền kinh tế đạt gần 52.000 tỷ đồng.

Cơ cấu GRDP đã có sự thay đổi rõ rệt khi khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 15,4%, công nghiệp xây dựng chiếm 34,6%, dịch vụ chiếm 32%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18%, thay vì tỷ lệ tương ứng 6 tháng đầu năm 16,2%, 29,4%, 35,7% và 18,7%.

Sản xuất công nghiệp được xác định ổn định, có xu hướng phục hồi. Chủ lực trong tăng trưởng ngành này phụ thuộc vào sản xuất, lắp ráp ô tô với doanh số tăng cao và ngành sản xuất, phân phối điện.

Số liệu về tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cũng trái ngược nhau, chưa thể quân bình, không đồng đều trong tăng trưởng. Tổng thu ngân sách đến ngày 21.6 đạt gần 12.000 tỷ đồng (tăng 62,3% cùng kỳ, đạt 62% dự toán). Tăng trưởng ngành ngân hàng đạt 4,3% (đóng góp 0,1 điểm % vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế).

Lĩnh vực đầu tư xây dựng không mấy khả quan. Vốn đầu tư thực hiện chỉ tăng gần 5% (cả nước tăng 7,2%). Trong khi vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 9,2%, vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động tăng 12,5% thì vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản giảm 9,5%, vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định giảm 8% và vốn đầu tư khác cũng giảm 18,7%.

Ngoài ra, giá trị gia tăng (VA) của ngành xây dựng chỉ tăng 2,3%. So với 6 tháng đầu năm 2019, VA ngành này vẫn còn giảm 9,4%. Ông Lê Quý Đạt nói chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng tăng cao (hơn 4%). Nhu cầu sử dụng sắt, thép tăng cao do giải ngân vốn đầu tư công. Các nhà thầu, doanh nghiệp ngành xây dựng, người dân đang xây nhà cũng phải đối mặt với khó khăn, kéo theo VA ngành xây dựng bị ảnh hưởng.

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong quý II.2021, xu hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn quý trước do dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Cụ thể, gần 22% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tốt hơn quý I; 42,7% giữ ổn định và 35,4% cho là khó khăn hơn. Quý III, có 47,6% doanh nghiệp dự báo sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn; 31,7% giữ nguyên và chỉ 20,7% số doanh nghiệp cho là khó khăn hơn. Xu hướng về khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng mới cũng có chiều hướng tăng hơn so quý trước.

Những thống kê trên cho thấy nền kinh tế địa phương tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tích cực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Song, rất khó dự báo được nền kinh tế sẽ như thế nào khi tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài.

Khu vực dịch vụ chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn gia tăng (tăng 53%), kéo theo số người thất nghiệp (trong độ tuổi lao động) lên đến 23.800 người (2,5%); hay đầu tư công vẫn chưa thể đạt tỷ lệ giải ngân tốt nhất, khiến nguồn lực không thể đổ vào nền kinh tế như kỳ vọng.

Những dự báo không mấy lạc quan cũng là điều dễ hiểu. Kinh tế địa phương không chỉ nỗ lực riêng lẻ mà phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh toàn cầu, khả năng phục hồi của các nền kinh tế.

Theo ông Lê Quý Đạt, cần xác định rõ động lực tăng trưởng, chủ động xây dựng các phương án duy trì sản xuất, chuẩn bị sẵn các điều kiện đầu vào để tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, tăng thu nhập thực tế cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Hỗ trợ cả doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa trong việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển hàng hóa về nông thôn. Quan trọng hơn vẫn là chuyện tăng cường rà soát, đánh giá chặt hoạt động của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị ảnh hưởng đại dịch, giúp họ khắc phục khó khăn về tài chính, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Song song với dập dịch, ưu tiên tiêm phòng vắc xin tại các đô thị có quy mô lớn, những nơi tập trung nhiều lao động, việc duy trì các hoạt động kinh tế, chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh đi qua là điều cần thiết. Không thiếu những giải pháp, chính sách đã ban hành. Nhưng dù là giải pháp gì, cũng phải thực hiện thật nhanh thì mới có thể duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

TRỊNH DŨNG