Bất ngờ... tăng trưởng kinh tế

TRỊNH DŨNG 30/06/2021 05:30

GRDP 6 tháng đầu năm của Quảng Nam đã đạt đến 11,7%. Kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2021 có nhiều tín hiệu khả quan.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định trong thời gian qua. TRONG ẢNH: Người dân chăm sóc ao tôm ven sông Trường Giang. Ảnh: HÀ QUANG
Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định trong thời gian qua. TRONG ẢNH: Người dân chăm sóc ao tôm ven sông Trường Giang. Ảnh: HÀ QUANG

Tăng trưởng cao

Theo thống kê của Cục Hải quan Quảng Nam, 6 tháng qua, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đã tăng 59,4% so cùng kỳ năm 2020 (hơn 1,42 tỷ USD), bao gồm kim ngạch xuất khẩu 509,4 triệu USD (tăng 25,3%), kim ngạch nhập khẩu 911,29 triệu USD (tăng 88%).

Không chỉ xuất khẩu, 5 tháng đầu năm nhiều ngành kinh tế hồi phục khá (trừ khu vực du lịch dịch vụ vẫn chưa thể thoát khỏi sự ảm đạm). UBND tỉnh công bố 6 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn đã đạt hơn 30.910 tỷ đồng. GRDP tăng đến 11,7%.

Tỷ lệ này xác nhận Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là 1 trong 9 tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số và đứng thứ 5 cả nước. Trong khi đó, hầu hết tỉnh thành miền Trung chỉ có mức tăng 1 con số (Quảng Ngãi tăng 4%, Đà Nẵng tăng 5%, Thừa Thiên Huế tăng 5,6%, Bình Định tăng 6,1%).

Sự sôi động của sản xuất, kinh doanh và đầu tư đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: T.D
Sự sôi động của sản xuất, kinh doanh và đầu tư đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: T.D

Theo các phân tích, đột phá mạnh nhất thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng khi tăng đến 33,4%. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt khoảng 41,4%. Tăng mạnh nhất thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (35%), đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành kinh tế.

Có thể kể đến ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, sản xuất trang phục… đều đã phục hồi, tăng trưởng khá (lần lượt 28,2%, 35,4%, 34,5% và 35,5%). Nhưng chủ lực vẫn là sản xuất, lắp ráp ô tô (tăng 35,5%).

Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay tăng trưởng này nhờ vào nhu cầu thị trường dòng xe du lịch tăng cao. So thời điểm này năm trước, doanh thu sản xuất ô tô giảm sâu, 1 nhà máy tạm ngừng hoạt động (từ tháng 3 đến 7.2020) và so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 xảy xa), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 13%, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này.

“Mức tăng trưởng này dù chưa cao trong điều kiện bình thường, chỉ tăng gần 0,8% so cùng kỳ năm 2019 (trước dịch), song đã cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu của doanh nghiệp và xu thế phục hồi kinh tế đã bắt đầu tiến triển” – ông Văn nói.

Cần đánh giá đúng chất lượng tăng trưởng

 Con số GRDP tăng đến 11,7%, có thể vượt qua dự đoán của cơ quan quản lý. Năm 2020 do tác động của dịch bệnh đã khiến lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Quảng Nam tăng trưởng âm; năm 2018, 2019 mức tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt 1 con số. Vậy nên mức tăng trưởng 11,7% trong điều kiện nền kinh tế mới vận hành trở lại bình thường đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính xác thực của GRDP.

Mức tăng trưởng chung của nền kinh tế dựa vào rổ hàng hóa, sản phẩm, đầu tư, thuế…, nhưng ngoại trừ khu vực nông lâm thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định (đóng góp không nhiều vào GRDP), thì hàng loạt dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế vẫn chưa được gỡ bỏ.

Theo thống kê, khu vực xây dựng tăng 2,3% so năm 2020, nhưng so với thời chưa dịch vẫn giảm khá sâu (9,4%), cho thấy khu vực này vẫn chưa phục hồi. Số doanh nghiệp xây dựng gia nhập thị trường giảm. Năng lực tài chính của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng hạn chế, thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến nhiều dự án bị bỏ dở hoặc thi công cầm chừng…

Hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, 80% doanh nghiệp giảm doanh thu, 70% gặp khó khăn lưu thông hàng hóa, 60% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu.

Động lực tăng trưởng nhiều năm của địa phương vẫn nằm ở việc gia tăng sản xuất, đầu tư. Hiện số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít (4,36% và tăng 8,5% vốn đăng ký). Thêm 4 dự án FDI (9,69 triệu USD).

Nhưng số vốn đăng ký không phải vốn đầu tư thực hiện. Một khi nền sản xuất chưa thể vận hành suôn sẻ thì gia tăng đầu tư là điều được tính đến. Tuy nhiên, cho dù tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng qua thống kê tăng 3,6% so cùng kỳ (khoảng 12.640 tỷ đồng), nhưng giải ngân chỉ mới đạt 18,1%.

Theo nhiều nhận định, “sức khỏe” doanh nghiệp chưa thể phục hồi, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng, đầu tư yếu thì lấy đâu con số tăng trưởng cao như đã công bố? Liệu con số GRDP có đủ tính xác thực?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt câu hỏi tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5, nhưng tại sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong khi kinh tế khó khăn cần vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công. Cần đánh giá sát tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm để tiếp lực cho đà phát triển. Doanh nghiệp vài năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Nên nghiên cứu xây dựng một phần mềm theo dõi, phân tích biến động sản xuất, kinh doanh, mới biết được diễn biến thị trường sắp đến để có tính toán, bắt được “bệnh” mới có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Theo kế hoạch, tăng trưởng GRDP năm 2021 của Quảng Nam chỉ tăng từ 6,5 - 7%. Nếu như con số đã công bố đủ tính xác thực, thuyết phục, 6 tháng cuối năm 2021 chỉ cần tăng khoảng 2,3% là đủ đạt chỉ tiêu. Kế hoạch tăng trưởng như hoạch định sẽ không còn là chuyện khó khăn.

TRỊNH DŨNG