Niềm vui bên cây cầu treo
Từ ngày cầu treo thôn Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, đưa vào sử dụng, người dân trong làng ai cũng vui cái bụng.
Với phụ nữ trong làng, việc gùi lúa, cõng củi đã không còn sợ mất an toàn như trước. Hạ gùi lúa nặng trĩu trên vai xuống, chị Zơ Râm Thị Nhâm nói: “Ngày xưa mỗi lần qua sông này, chị em chúng tôi vừa đi vừa chạy, sợ nước lũ xuống đột ngột. Giờ thì không lo nữa rồi, đi trên cầu cao rất an toàn, ai cũng mừng”
Bà Bling Thị AKêu - Bí thư Chi bộ Thôn Tà Vàng chia sẻ, trước đây, mỗi lần họp thôn bà con đều đề xuất làm cầu treo, nhưng kinh phí của huyện hạn chế nên mãi đến tháng 2.2021 mới thi công. Ngày làm cầu, thanh niên góp công vận chuyển vật liệu, phụ nữ nấu nước cho thợ. Cả làng như vào hội và khi cây cầu hoàn thành, mọi người vui mừng hát hò nhảy múa.
Tại huyện Tây Giang, cơn bão số 5 hồi năm 2020 đã làm hư hỏng, cuốn trôi toàn bộ hệ thống cầu treo bắc qua sông suối. Trong thời gian dài, việc đi lại của bà con gặp muôn vàn khó khăn. Cứ mỗi trận mưa lớn, nhiều ngôi làng ở các xã vùng cao khu 7 lại chịu cảnh chia cắt hàng giờ đồng hồ.
Trước thực tế đó, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và TP.Đà Nẵng, huyện Tây Giang đã dốc toàn lực làm mới và sửa chữa 9 cầu treo dân sinh kiên cố; cùng hàng chục cây cầu treo qua nhiều thôn xa xôi cách trở.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói: “Khi tiếp nhận 12 tỷ đồng hỗ trợ của TP.Đà Nẵng, chúng tôi tập trung để làm mới, sửa chữa hệ thống cầu treo. Bởi đây là công trình nối liền các làng, các xã với nhau. Để đảm bảo cho đơn vị thi công triển khai nhanh, người dân không chỉ tự nguyện hiến đất đai, hoa màu mà còn hồ hởi góp công, góp sức.
Chỉ trong gần 3 tháng, cả 9 cây cầu treo kiên cố đã hoàn thành. Chúng tôi tuyên truyền cho người dân bảo quản, sử dụng tốt những chiếc cầu, để đáp lại ân tình mà bà con miền xuôi dành cho đồng bào miền ngược”.