Gió từ miền non cao...
Ngay khúc sông Ra’lang, những chiếc a’ruung - công trình bắt cá truyền thống duy nhất còn sót lại của đồng bào Cơ Tu - phủ đầy xác lá cây rừng và… rác. Ông Alăng Chô (ở tổ Phú Mưa, thôn Ra’lang, xã Jơ Ngây, Đông Giang) - chủ nhân của chiếc a’ruung này nói, đó là hệ lụy sau thời gian rừng bị tàn phá, dòng sông bị ô nhiễm phía đầu nguồn.
Lất phất những hạt mưa, càng khiến con đường đất khúc khuỷu dài gần 2 cây số từ nhà ông Chô đến nơi đặt a’ruung trơn trượt. Dọc đường là những vườn chuối, rừng keo phủ dày.
“Toàn bộ vườn chuối này được trồng từ dự án giảm nghèo của Nhà nước. Năm ngoái, cán bộ xã đến vận động bà con trồng chuối tại rẫy nà. Mình kiếm giống, sau khi trồng hết, xã đến nghiệm thu và cấp tiền hỗ trợ” - ông Chô giải thích. Từ đồi cao, bất chợt có luồng gió vỗ về, dịu mát…
A’ruung ngăn nạn phá rừng
Ông Chô dùng hết sức tháo từng chiếc a’ruung khỏi mặt nước rồi đập mạnh miệng a’ruung xuống đất để lấy ra những con cá đang mắc bên trong. Mùa này, liên tục có mưa phía đầu nguồn nên nước ngả màu đục và chảy xiết. Mỗi buổi sáng, ông Chô đều đến khúc sông này để “thăm” a’ruung, mong kiếm ít cá suối cải thiện cuộc sống.
Ông Chô nói, vài năm trở lại đây, ở khúc sông này, cá không còn nhiều như trước. Thỉnh thoảng mới hứng lượng cá đủ cho bữa ăn gia đình. Năm ngoái, lần đầu tiên sau nhiều năm đặt a’ruung, ông Chô bắt được cá chình nặng gần 2kg. Loài này, ở đoạn sông Ra’lang không còn nhiều, do hệ lụy sau những cuộc khai thác tận diệt của một số người thiếu ý thức.
“Họ dùng bình điện chích cá, thậm chí dùng cả mìn để đánh. Cá mô mà còn nữa” - ông Chô trầm ngâm, nén cảm xúc nhìn về dòng sông trước mặt.
Những “chủ đất” ở Phú Mưa kể, sông Ra’lang ngày trước là nguồn cung cấp cá tôm nhiều vô kể cho hàng nghìn người dân miền núi. Người Cơ Tu chỉ bắt cá bằng các vật dụng thủ công. A’ruung là dụng cụ thường dùng nhất, được đặt dưới những dòng sông chảy xiết để… hứng cá. Hồi đó, cây rừng mọc quanh làng, nhưng người vùng cao chỉ tận dụng những cây gỗ đã gãy đổ hoặc thân cây lồ ô để làm đóng cọc nên a’ruung rất chắc chắn.
Nhắc đến gỗ, làm tôi nhớ những năm 1996, thời điểm nạn phá rừng khủng khiếp trên đầu nguồn sông Ra’lang. Hồi đó, lâm tặc tứ xứ tìm về. Khu vực Sông Kôn, Jơ Ngây, A Ting của Đông Giang được xem như “thủ phủ” với những đầu nậu thuộc dạng máu mặt.
Gỗ được lâm tặc vận chuyển bằng đường sông, chủ yếu dùng bè nứa, sau này có “bích-xi” (ruột xe ô tô) liên kết với nhau. Để ngăn nạn phá rừng, các già làng bàn cách lập các “chốt” a’ruung, dày đặc trên các đoạn sông, nhằm cản trở quá trình vận chuyển gỗ. Hiệu quả một thời gian khá dài…
Chia nhau từng khúc sông, người Cơ Tu chọn đặt a’ruung ở những nơi thuộc địa phận của mình, tuyệt đối không tranh giành làm mất đoàn kết. A’ruung được làm rất kỳ công. Người Cơ Tu tận dụng những viên đá dưới sông để bỏ vào từng chiếc rọ cỡ lớn, tạo luồng theo hình chữ V. Bên cạnh luôn có những hàng rào kiên cố được đan dọc theo cọc gỗ, ngăn cá lọt ra ngoài. Đặc biệt hơn cả, là cặp a’ruung con, a’ruung mẹ khớp nối với nhau bằng sợi mây rừng, thuận tiện cho việc tháo ráp.
Phải mất gần nửa tháng, công trình bắt cá thuộc loại công phu bậc nhất của ông Chô mới được hoàn thành. Phần lớn, nhờ công sức của dân làng. Gỗ rừng không còn nữa, người Cơ Tu lấy gỗ keo để đóng cọc. Nhưng, thứ gỗ tạp ấy khi ngâm lâu dưới nước, thường mau mục nát. Vì thế, vòng đời của a’ruung chỉ kéo dài trong khoảng 6 - 7 tháng.
Dù phải bỏ nhiều công sức, nhưng gần như năm nào ông Chô cũng huy động công nhân giúp ông làm a’ruung. Ông làm như một thú vui và chọn đặt a’ruung lần lượt từ khúc sông này đến khúc sông khác.
“Cá có thể ít, công cán có thể nhiều nhưng mình làm là để giữ nét truyền thống của cha ông. Nhờ đó, nhiều người trong làng bây giờ đều biết cách làm a’ruung. Không ai muốn phá hoại môi trường nữa, để cá ngày nhiều thêm, như trước đây” - ông Chô chia sẻ.
Góp sức bảo vệ môi trường
Đợt trước, tôi cùng đoàn khảo sát của tỉnh về các địa phương miền núi để tìm hiểu về đời sống người dân hậu tái định cư. Vừa gặp đoàn công tác, người dân đã tranh nhau phàn nàn về tình trạng thiếu đất sản xuất lẫn thiếu nước sinh hoạt. Ở nhiều nơi, họ còn thông tin, rằng kể từ khi thủy điện chặn dòng nước, cá tôm cũng dần biến mất khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Vừa rồi, chúng tôi lại có chuyến ngược núi. Đi dưới chân các đập thủy điện, tận mắt nhìn thấy nước đã khô cạn, chợt nghĩ cá tôm làm sao mà còn…
Một đứa trẻ đi cùng ông Chô gom những túi rác, bao ni-lông bám trên miệng a’ruung đặt một chỗ, rồi dùng lửa đốt. Rác trôi đến rất nhiều, bám chặt cả nhánh cây. Đặt lại chiếc a’ruung, ông Chô nhặt lấy vài con cá, cố nén cảm xúc buồn rầu.
Ông kể, vẫn còn nhiều người lén dùng xung điện để châm cá. Ở đoạn sông này, thỉnh thoảng ông bắt gặp vài con cá chết trôi, nổi lềnh bềnh trên mặt nước sau những đêm bị “càn quét”.
Xung điện trở thành nỗi ám ảnh của người dân miền núi. Bởi, nó mang kiểu khai thác tận diệt khiến cá, tôm chết hàng loạt. Chưa kể, sự kết hợp giữa xung điện với chất nổ, đã “góp sức” phá hủy môi trường sinh thái ở các dòng sông, suối nước. Khoảng lặng giữa câu chuyện, tôi nghe một người bạn kể, năm ngoái, khi công an chính quy về xã, tình trạng khai thác cá bằng xung điện ở một số địa phương đã giảm dần.
Những cá nhân vi phạm, ngoài tịch thu xung điện và xử phạt hành chính, còn phải cam kết không tái phạm với chính quyền và cộng đồng. Hôm trước, lúc trở về quê tôi cũng nghe câu chuyện tương tự do chính người dân địa phương kể lại.
Sau thời gian miệt mài vận động và tuyên truyền, lực lượng công an chính quy xã Sông Kôn (Đông Giang) đã giúp người dân nâng cao ý thức, hạn chế đánh bắt cá bằng xung điện và các loại dụng cụ có nguy cơ hủy hoại môi trường tự nhiên.
Nhớ hôm nọ, theo chân nhóm bạn ở Tây Giang đến “phượt” thác nước Tr’lêê (xã A Tiêng, Tây Giang), một người bạn lâu năm của tôi là Bríu Quân nói, bây giờ, người Cơ Tu đã biết quý nguồn nước, quý từng con cua, đàn tép. Xem đó là nguồn sống để sinh tồn, người Cơ Tu khắp nơi ra sức gìn giữ và bảo vệ.
Rất nhiều quy ước được các già làng đưa ra, là nghiêm cấm hành vi phá hoại môi trường. Không ai được phát rẫy, chặt gỗ rừng ở đầu nguồn; không ai được phép săn bắn thú rừng, tận diệt cá suối…
“Chỉ khuyến khích bắt cá bằng vợt, bằng lưới, hoặc bằng rọ tre đặt dưới dòng nước nên cá ở Tây Giang vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt là cá niên, một loại đặc sản ở vùng cao này” - Bríu Quân tâm sự.
Trưa, nắng lấp lóa phản chiếu dưới mặt nước dưới thác Tr’lêê. Những phụ nữ Cơ Tu tay cầm vợt miệt mài xúc cá, thi thoảng lại dùng tay mò dưới từng hốc đá. Chẳng mấy chốc, cá đã đầy giỏ, họ mang chế biến các món ăn truyền thống để chiêu đãi khách. Hương vị của tiêu rừng phảng phất theo làn gió làm tôi nhớ đến hôm ngồi dưới moong của ông Chô, thưởng thức món cá suối sau chuyến thăm a’ruung.
Trời vùng cao, vừa mưa rào rạt thì lại tạnh. Chừng ít phút sau, phía bờ sông đã thấy lác đác mấy thanh niên ngồi câu cá. Vài ngày trước, họ đã tình nguyện mang xung điện giao nộp cho công an xã, cùng góp sức bảo vệ nguồn nước trong lành…