Chìa khóa đánh bại đại dịch toàn cầu

QUỐC HƯNG 26/06/2021 06:22

Quản lý dữ liệu khoa học, phát triển thành công các biện pháp phòng ngừa là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, khi vi rút lây lan trên toàn cầu, sự chia sẻ dữ liệu mới có thể đánh bại đại dịch như Covid-19.

Tiêm chủng vắc xin là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ trước đại dịch. Ảnh: UNICEF
Tiêm chủng vắc xin là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ trước đại dịch. Ảnh: UNICEF

Các nhà khoa học thế giới thường thận trọng trong việc chia sẻ dữ liệu thu thập được từ các nghiên cứu khoa học của họ. Tuy nhiên, chuyên gia Mahsa Shabani tại Đại học Ghent ở Bỉ cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mối quan tâm mới và cấp thiết hơn trong việc chia sẻ thông tin, khai thác dữ liệu hiện có cũng như trong việc tổng hợp các tài nguyên.

Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể truy cập nhiều dữ liệu để hiểu được vi rút gây bệnh và phát triển các phương pháp đối phó và ngăn chặn đại dịch, bao gồm sản xuất vắc xin được nhanh chóng hơn, cứu sống được nhiều người hơn.

Georgina Humphreys - Giám đốc chia sẻ dữ liệu lâm sàng tại Quỹ nghiên cứu y sinh Wellcome ở London (Anh) khẳng định, chia sẻ nhiều hơn là chìa khóa để đánh bại corona cũng như các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn mang tính toàn cầu có thể xảy ra.

Đây cũng là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hợp tác với Đức để thành lập trung tâm dữ liệu toàn cầu về đại dịch. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9 tới, có nhiệm vụ phân tích dữ liệu, phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn hay ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe trên thế giới trong tương lai liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, kể cả Covid-19, thông qua việc chia sẻ thông tin. Trung tâm có trụ sở tại Berlin (Đức), là nơi tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và các viện khoa học.

Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Một trong những bài học của Covid-19 là thế giới cần một bước tiến đáng kể trong phân tích dữ liệu để giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định sáng suốt về sức khỏe cộng đồng. Điều này đòi hỏi phải khai thác tiềm năng của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, kết hợp các nguồn dữ liệu đa dạng và cộng tác trên nhiều lĩnh vực. Dữ liệu và phân tích tốt hơn sẽ dẫn đến các quyết định hiệu quả, kịp thời”.

Theo các chuyên gia y tế, vi rút gây bệnh là không giới hạn ở biên giới quốc gia nào. Do đó, không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Bởi vậy, sự không công bằng trong phân phối vắc xin gây ra một mối nguy hiểm mới, không chỉ đối với người dân ở các quốc gia khó tiếp cận với nguồn vắc xin.

Nếu để lây lan mà không được kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới, vi rút có nguy cơ đột biến đến mức có thể khiến vắc xin và phương pháp điều trị hiện nay không còn hiệu quả - khiến dịch bệnh bùng phát mạnh.

Để chấm dứt đại dịch, như Georgina Humphreys nói, chúng ta cần hành động quốc tế khẩn cấp để đạt được quyền tiếp cận công bằng hơn trên toàn cầu đối với vắc xin. Chia sẻ lượng vắc xin ngay bây giờ để ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện ở các quốc gia khác là lợi ích của tất cả người dân.

Cơ chế tiếp cận toàn cầu bình đẳng với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) được thành lập, một nỗ lực quốc tế chính thức bắt đầu phân phối vắc xin đến các quốc gia từ tháng 2 năm nay.

COVAX được sự hậu thuẫn của WHO, mong muốn phân phối 2 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trước cuối năm 2021 cho tất cả quốc gia, trong đó 50% dành cho 92 nước có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, WHO kêu gọi hợp tác toàn cầu trong chia sẻ vắc xin, một lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch, người dân thế giới trở lại cuộc sống bình thường, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

QUỐC HƯNG