Thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư

TRỊNH DŨNG 25/06/2021 05:36

Chính quyền sẽ trực tiếp tìm kiếm những nhà đầu tư chất lượng, mở rộng năng lực hấp thụ dự án bằng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư… Đó là cách Quảng Nam thay đổi tư duy trong xúc tiến đầu tư.

Hình ảnh những cuộc tiếp đón, gặp gỡ xúc tiến đầu tư thường thấy các năm qua tại Quảng Nam. Ảnh: T.D
Hình ảnh những cuộc tiếp đón, gặp gỡ xúc tiến đầu tư thường thấy các năm qua tại Quảng Nam. Ảnh: T.D

Nhìn lại hiệu quả xúc tiến đầu tư

Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Quảng Nam diễn ra ngày 26.3.2017 có số vốn đăng ký kỷ lục (15,8 tỷ USD) với 32 dự án đầu tư. Đến nay, nhiều dự án dù chưa triển khai trên thực tế, song có thể xem sự kiện này là chất xúc tác cực mạnh kéo các nhà đầu tư tìm đến Quảng Nam.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương còn tranh thủ sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư như Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Cơ quan xúc tiến đầu tư Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), để mở nhiều cuộc gặp gỡ, kêu gọi đầu tư.

Hình ảnh đầu tư sôi động diễn ra tại các khu kinh tế, công nghiệp với những thương hiệu lớn như Tập đoàn Amann (Đức), Hyosung, Panko, Hansae (Hàn Quốc), Misubishi (Nhật Bản), Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), Trường Hàng không New Zealand, Mitsui (Nhật Bản)… được cho là minh chứng cụ thể về hiệu quả của công cuộc xúc tiến đầu tư từ nhiều năm qua.

Ngay như năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến việc kết nối các cơ quan đại sứ quán các nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư hầu như không thể triển khai được, nhưng lượng dự án đầu tư vẫn không suy giảm.

Theo ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, năm 2020 đã cấp mới 71 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng (nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên hơn 700 dự án với vốn đăng ký khoảng 160.700 tỷ đồng), thu hút 14 dự án FDI (10 dự án năm 2020 và 4 dự án trong 6 tháng đầu năm 2021), nâng số dự án FDI còn hiệu lực 199 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ USD.

Những con số thống kê ấy cho thấy, hiệu quả của các cuộc xúc tiến đầu tư. Song, không ít dự án không thể triển khai trên thực tế, số vốn giải ngân từ các dự án chiếm chưa tới 50% vốn đăng ký đã buộc chính quyền và cơ quan quản lý nhìn nhận lại hiệu quả của các cuộc xúc tiến đầu tư.

Sở KH&ĐT thừa nhận, ngoài vướng mắc về quy hoạch, thiếu đất sạch, cơ chế thay đổi thì hạn chế về năng lực tài chính, chuyên môn hóa lĩnh vực đầu tư (khó kiểm chứng, đánh giá năng lực nhà đầu tư thông qua những hội nghị xúc tiến đại trà) đã dẫn đến không ít dự án đình trệ, kéo dài hoặc “đánh trống ghi tên” xí phần.

Thay đổi tư duy 

Sự cạnh tranh thu hút đầu tư diễn ra ngày càng khốc liệt hơn đã buộc địa phương phải thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư. Với Quảng Nam, UBND tỉnh cho biết, thay vì xúc tiến đầu tư đại trà, tổ chức các hội thảo, hội nghị, mời tất cả doanh nghiệp (lĩnh vực, quy mô khác nhau) đến, địa phương sẽ chủ động đưa ra các dự án cơ hội cụ thể và chủ động “săn nhà đầu tư”.

Cách xúc tiến mới mẻ này dựa trên sự tương tác trực tiếp với các nhà đầu tư. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng hiệu quả cao hơn. Xác định thế mạnh, chọn đối tác chiến lược, đưa ra những dự án cụ thể, chủ động gặp gỡ, tìm kiếm, chọn nhà đầu tư, thay vì xúc tiến tràn lan mà không biết ai là nhà đầu tư thực thụ.

“Sẽ không tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư rùm beng, mà hướng về thực chất. Bằng cách xác định những nhà đầu tư mạnh thông qua thẩm định của các cơ quan chuyên ngành, đến tận “đại bản doanh” của họ để mời gọi đầu tư. Muốn vậy phải chuẩn bị tất cả, từ quy hoạch chuẩn, thủ tục hành chính vận hành thông suốt, môi trường đầu tư hấp dẫn...” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Để thực hiện kế hoạch thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư này, Quảng Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp có tính quyết định. Năng lực lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương sẽ được đánh giá, giám định thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi thu hút dự án đầu tư, quyết định cho sự phát triển của địa phương, thay vì chỉ trông chờ từ nguồn đầu tư từ ngân sách như lâu nay.

Một quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được ban hành công khai, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư xin cho cảm tính, không đánh giá được năng lực của nhà đầu tư. Quá trình triển khai dự án (từ khâu hồ sơ, thủ tục đến khi hoạt động) đều sẽ được đánh giá, giám sát cụ thể.

Tập trung giải phóng mặt bằng, tạo hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, rà soát các dự án đầu tư thiếu hiệu quả, nhường chỗ cho những nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án… Ưu tiên hàng đầu là các dự án đầu tư còn hiệu lực.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, địa phương đang tiến hành xây dựng bản đồ số phục vụ thu hút đầu tư. Sẽ xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu về quy hoạch, môi trường đầu tư, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp. Chỉ cần click vào là nhà đầu tư có thể tìm thấy những gì mình muốn. Chỉ cần click vào là biết ngay dự án Quảng Nam đang cần có phù hợp với mình hay không để tính toán có nên đầu tư hay không?

TRỊNH DŨNG