Khó đánh giá thị trường khách du lịch
Kế hoạch phục hồi của ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19 vẫn đang hết sức lúng túng, trong đó việc đánh giá thị trường khách khó khăn là một trở ngại.
Khó xây dựng sản phẩm
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có một số tổ chức, đơn vị thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá lại nhu cầu của khách du lịch nội địa. Trong đó, kết quả khảo sát từ Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho thấy Quảng Nam đã cải thiện được hình ảnh rất nhiều trong mắt khách nội địa kể từ thời điểm cuối năm 2020.
Ngành du lịch địa phương dần xác định khách trong nước là một thị trường quan trọng để thúc đẩy phục hồi du lịch, tuy nhiên trên thực tế du lịch Quảng Nam có thể dựa vào đòn bẩy của thị trường nội địa để phát triển về lâu dài hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Năm 2019, cơ cấu thị trường khách nội địa chiếm tới gần 85% tổng lượng khách du lịch Việt Nam, tuy nhiên Quảng Nam lại nằm trong số địa phương hiếm hoi có lượng khách quốc tế vượt trội so với khách nội địa. Điều này dẫn đến sự xung đột về sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho các thị trường khách và rất khó để các doanh nghiệp chuyển đổi hài hòa trong một thời gian ngắn.
Trong mục tiêu mới nhất đề ra của dự thảo Nghị quyết phát triển du lịch Quảng Nam, đến năm 2025 tỉnh sẽ đón 12 triệu lượt khách; trong đó có 50% là khách quốc tế, và đến năm 2030 sẽ nâng cơ cấu khách quốc tế lên 55%. Mục tiêu rõ ràng là “không bỏ trứng vào chung một giỏ”, tuy nhiên hệ thống sản phẩm để cụ thể hóa điều này vẫn còn khá mơ hồ.
Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 sẽ đạt được thương hiệu “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”, tuy nhiên đòn giáng nặng nề từ Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa việc cải tạo sản phẩm để hướng đến du lịch bền vững và duy trì dịch vụ hiện có để cầm cự, tránh phá sản.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, Quảng Nam đang định hướng phát triển du lịch xanh nhưng thực tế thì hiệp hội chưa đủ tầm để bao phủ hết cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi rất cần Nhà nước vào cuộc từ sản phẩm, thị trường, chính sách để cộng đồng doanh nghiệp đi theo một cách bài bản, trong đó mong muốn UBND tỉnh sớm thông qua bộ tiêu chí du lịch xanh” - ông Thanh nói.
Dấu hỏi thị trường khách quốc tế
Từ lâu, du lịch Quảng Nam đã xác định thị trường khách truyền thống là dòng khách Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cơ cấu này đã sớm có sự chuyển dịch từ vài năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Dự báo thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam sẽ tiếp tục có những biến động khó lường hậu dịch bệnh.
Ông Phan Xuân Thanh cho rằng, những tính toán đều đang dựa trên hệ quy chiếu trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ngành du lịch hiện nay rất cần những định hướng, nghiên cứu khoa học về thay đổi của du khách bởi thực tế thì nhu cầu của du khách hiện nay đã thay đổi rất lớn.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngay cả Tổng cục Du lịch cũng không thể đánh giá riêng về thị trường du lịch cho từng tỉnh, thành.
“Các bộ phận chuyên môn của sở cũng đang tích cực tìm hiểu, kết nối vấn đề này nhưng việc nghiên cứu thị trường hiện nay khó khăn bởi các biến số không tính được. Nó liên quan đến các vấn đề mang tính toàn cầu mà các yếu tố chi phối lớn nhất là dịch bệnh, biến đổi khí hậu và xung đột kinh tế” - ông Lê Ngọc Tường nói.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn trong việc định hướng sản phẩm của mình bởi một khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại, các thị trường khống chế dịch bệnh tốt, hoàn thành phổ cập vắc xin hoặc có hợp tác trao đổi khách song phương sẽ được ưu tiên nhưng đó chưa chắc đã là các thị trường tiềm năng hoặc gắn bó lâu nay với du lịch Quảng Nam.
Một bất lợi nữa với du lịch địa phương là nhiều thị trường du lịch mới nổi, có tỷ lệ tăng trưởng cao trước khi dịch Covid-19 bùng phát lại đang vật lộn với dịch bệnh như Ấn Độ, Đông Nam Á...
Một khi còn loay hoay với việc đánh giá lại thị trường khách, ngành du lịch sẽ còn chật vật và khó lòng quay lại thời kỳ đỉnh cao khi dịch bệnh được đẩy lùi!