Người nghèo thời Covid

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 23/06/2021 15:13

(QNO) - Cô bé H. ở xóm tôi trước đây đi làm tiếp thị cho hãng bia, mỗi tháng cũng kiếm được năm, ba triệu. Rồi lấy chồng đẻ con, buôn bán hàng online cũng đủ sống qua ngày.

Nay, đợt dịch thứ tư bùng phát tại Đà Nẵng với hàng chục ca nhiễm, thành phố hạn chế người dân ra đường, không tụ tập nhiều người, quán ăn chỉ cho bán mang về… H. bèn nghĩ ra cách khác, mỗi ngày mua mấy chục ổ bánh mì, làm thịt, chả bỏ vào từng túi ny lon, chạy xe máy qua mấy khu phố năn nỉ người quen mua hộ. Nhờ vậy cô bé cũng kiếm được mấy chục nghìn mỗi ngày, duy trì cuộc sống trong khó khăn suốt những ngày trốn dịch.

Đồng cảnh ngộ ấy, một chị bán hột vịt lộn đầu hẻm, đôi vợ chồng bán bánh bột lọc, bánh nậm và xôi gà bên kia đường dọn mấy cái thùng xốp đặt bên vỉa hè từ 4 giờ sáng bán cho khách đi bộ tập thể dục cũng có được phần thu nhập tối thiểu cho từng ngày…

Đó là hình ảnh những người nghèo, thu nhập thấp ở một khu phố gần chỗ tôi ở.

Còn những người ở quê thì sao?

Một chị bán rau quả quê Đại Lộc - cách Đà Nẵng hơn 50km, cả thời gian dịch chạy xe máy ra Đà Nẵng đứng bán gần chợ Hòa Thuận từ 5 đến 10 giờ sáng rồi quay về, có hôm nhịn cả bữa sáng. Chị kể lúc đầu cứ đến trạm kiểm dịch thì lách vào đường làng. Có bữa đi trễ, cứ làm liều qua trạm, năn nỉ ỉ ôi, rồi cũng được đi. Trưa về ăn vội vài chén cơm mắm rồi lội vào các xóm trong vùng thu gom các thứ cho ngày hôm sau, cứ thấy ngoài phố người dân cần gì thì tìm mua thứ đó…

Một cặp vợ chồng quê ở xã Bình Quý (Thăng Bình) - cách Đà Nẵng gần 60km, lâu nay bán các loại nông sản quê ở biển. Biển cấm vắng khách nên tìm đến gần các chợ vùng Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn bán tạm. Bị đuổi chỗ này thì di chuyển đi chỗ khác. “Còn hai cháu học đại học, không thể ngồi yên!” - anh chồng nói.

Bên biển, tôi có quen anh tên Quang từ Đại Lộc đi bán bánh đúc gạo đỏ và một chị tên Lan, suốt 20 năm nay chuyên bán khoai lang và đậu phụng luộc cho khách tắm biển. Nay thì lại cấm tắm biển, không biết họ kiếm sống bằng cách nào?

Mấy thanh niên ở Điện Bàn mà tôi biết, sau mùa đồng áng lại vác cuốc xẻng ra phố xúc đất “giá hạ” cho các công trình xây dựng hoặc đi phụ hồ cho các đơn vị thi công, nay cũng khó khăn lắm mới chạy ra phố tìm việc. Có bữa ra rồi lại về vì mấy chỗ quen đã ngưng việc. “Thôi coi như mất hai chục nghìn tiền xăng!” - một anh kể. “Về lại quê thì làm gì?” - tôi hỏi. “Thì nằm nhà coi ti vi hoặc ra quán cà phê trong xóm ngồi cho hết ngày, chớ biết làm gì!”. Những người dân quê, tiền làm thêm những ngày nông nhàn ngoài phố chính là nguồn thu nhập quan trọng để lo giỗ chạp, đi dự đám cưới, tang ma trong làng. Bây giờ tránh dịch, coi như trắng tay!

Dịch Covid-19 đã qua năm thứ 2. Các đợt lây nhiễm không báo trước bao giờ khiến cho đa số người nghèo, người buôn bán hàng rong, vốn không có tích lũy như tôi vừa kể càng thêm khốn đốn. Năm ngoái ở vài vùng nông thôn, người nghèo khó, neo đơn còn được bà con khá giả trong tộc họ ở xa gửi tiền về cứu giúp. Mỗi hộ cũng được 1 triệu đồng đủ mua lương thực, còn lại thì trông chờ vào rau quả trong vườn hay tiền đi làm thêm. Nay dịch lại đến, các nguồn trợ giúp không thể có mãi, việc làm ít đi, họ càng trở nên túng bấn. Còn ở thành thị, họ phải tự bươn chải trong hoàn cảnh rất khó khăn mà chưa thấy nguồn cứu giúp nào khác. Thật không thể không đau lòng…

Các nhà hảo tâm ngày càng thưa thớt vì dịch bệnh kéo dài. Trường hợp các ATM gạo như của anh Tuấn Anh ở TP.Hồ Chí Minh thì cũng không ra được miền Trung. Người dân đang mong chờ vào sự trợ giúp của Chính phủ. Nhưng nghe chừng cũng không dễ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG