Chuyện 75 năm trước ở ngôi làng "3 không"

LÊ VĂN CHƯƠNG 23/06/2021 07:13

Cụ Huỳnh Thúc Kháng gật đầu khi nghe các em học sinh đọc những câu thơ “Trường làng tôi ở cạnh đình/ Ngôi trường hai lớp vẻ xinh xinh…”. Cụ lại hỏi tiếp về “quy định 3 không” để phòng giặc Pháp và Việt gian. Lũ trẻ như bầy chim non trả lời nhanh nhảu là “không biết, không nghe, không thấy”. Đó là chuyện về ngôi làng 3 không - nơi cụ Huỳnh sống và làm việc 75 năm trước ở Quảng Ngãi.

Ngôi nhà cụ Huỳnh từng sinh sống và làm việc tại huyện Nghĩa Hành. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Ngôi nhà cụ Huỳnh từng sinh sống và làm việc tại huyện Nghĩa Hành. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Giữ bí mật tuyệt đối

Năm 1946, ngôi làng nằm gần cầu Đá, thuộc xã Hành Phong (nay là thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nằm khuất giữa rừng tre rậm rạp. Quanh ngôi làng là những cánh đồng lúa trì trì 7 tháng, nên nông dân chờ mỏi mắt mới đến mùa thu hoạch. Hồi ấy, ông Nguyễn Thứ thường nhắc người dân tiếp tục thực hiện tốt quy định “3 không”.

Ông khuyên mọi người rằng trong làng có cán bộ Việt Minh nên tinh thần phải đề phòng giặc Pháp ở ngoài An Tân. Ông Thứ lúc đó là Phó Chủ tịch lâm thời Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Hành Phong.

Hàng ngày ông thường xuyên đến một ngôi nhà trong xóm để trao đổi tình hình với một cụ già mà người dân chỉ biết là cụ Huỳnh, một cán bộ Việt Minh ở Quảng Nam vào. Tỉnh Quảng Ngãi thời đó là vùng giải phóng, quân Pháp lăm le ở 2 đầu tỉnh là cầu An Tân ở Quảng Nam và Tam Quan nằm giáp với Bình Định. Tuyến đường thuộc địa qua Quảng Ngãi bị băm nát và dựng chướng ngại vật để bảo vệ vùng giải phóng.

Người dân làng Hành Phong thời đó chỉ cần nhắc 2 chữ Việt Minh là đủ hiểu về tầm quan trọng của việc giữ bí mật. Học sinh từ lớp 2, khi nhắc tới “3 không” đều nói vanh vách rằng “ai hỏi có gặp cán bộ Việt Minh hay không thì nói không biết; người lạ hỏi đường thì nói là không biết…”.

Cuộc sống thời đó vô cùng khốn khó, với khẩu hiệu “Quảng Ngãi vì tiền tuyến, vì liên khu 5”, phần lớn lương thực làm ra đều chi viện cho chiến trường. Dù nghèo, nhưng mỗi khi nghe có cán bộ Việt Minh thì người dân đều mang góp chút lương thực ít ỏi của gia đình cho Việt Minh đánh Tây.

Ở Liên khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum), những nhân vật Việt Minh có tầm cỡ thời bây giờ đều có mặt tại khu vực làng 3 không của Quảng Ngãi như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn, Nguyễn Cư Trinh, Phan Huỳnh Điểu, Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm, Yến Lan…

Trên con đường làng ở xã Hành Phong, ông Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Phạm Văn Đồng) hàng ngày đến làm việc tại ngôi nhà cụ Huỳnh ở. Dù đi trên quãng đường ngắn, nhưng người ta bắt gặp đến 3 người có bề ngoài giống ông Đồng và đi cách nhau 10 mét.

Tấm lá chắn trong dân

Ông Nguyễn Thứ hàng ngày hay đến ngôi nhà cụ Huỳnh ở để rủ bạn đi học. Quy định về bí mật khiến cho đám trẻ dù tò mò nhưng cũng không bao giờ dám hỏi về cụ già đang làm việc trong ngôi nhà bà Võ Thị Tuyết. Cụ Huỳnh rất thích trẻ nhỏ, cụ đến hỏi các cháu về việc học tập ở trường, nhắc các cháu phải cố gắng học giỏi.

Có lần cụ còn bảo các cháu đọc một bài thơ đã học ở trường. Vậy là đám học sinh nhanh nhảu đọc: “Trường làng tôi ở cạnh đình/ Ngôi trường hai lớp vẻ xinh xinh/ Trước trường có mấy cây đào lớn/ Thường quyến lòng tôi những cảm tình…”.

Ngôi nhà lớn nhất xóm lúc đó là nhà của cụ Nguyễn Phượng Trung. Cụ là một người có gia thế, có tinh thần yêu nước, nhiều ruộng vườn, ngôi nhà rường 48 cột, đèn thắp bằng dầu phụng, nhưng cụ Huỳnh và ông Phạm Văn Đồng đều đến ở trong những ngôi nhà nhỏ, cạnh nhà đều đào hầm tránh bom. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhà nào cũng đào căn hầm tròn, nhưng thời gian sau thì khoét thêm ngách ngang gọi là hầm ếch.

Giữa thời chiến tranh, mọi người đều mặc quần áo màu đen, sống lầm lũi dưới lũy tre làng dày đặc. Quân Pháp luôn tìm cách cài người đi vào vùng giải phóng để nắm tình hình, báo tin về nơi ở của lãnh đạo Việt Minh để dội bom. Nhưng “làng 3 không” ở khắp nơi đã khiến cho không khí bí mật bao trùm. Nếu ai đó đặt câu hỏi với vẻ hơi ngờ vực thì lập tức bị bao vây bởi những ánh mắt của dân làng, sau đó là lực lượng chức trách xuất hiện. Ý thức bí mật đó đã bảo vệ an toàn cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Phải đến hơn 3 năm sau khi cụ Huỳnh qua đời, giặc Pháp mới bắt đầu đánh hơi được cơ quan đầu não của Việt Minh ở Quảng Ngãi. Ngày 20.10.1950 (âm lịch), ngôi làng náo động bởi một chiếc máy bay của Pháp quần thảo, sau đó ném quả bom lớn xuống ngôi nhà rường 48 cột chỉ còn hố sâu. Tới lúc đó thì người dân mới nhắc chuyện, cụ Huỳnh đã tính trước, nên chọn ở ngôi nhà nhỏ để giặc Pháp không nghi ngờ.

LÊ VĂN CHƯƠNG