Hành động cho thông điệp “Quảng Nam - điểm đến xanh”
Tổng cục Du lịch đang tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh cho điểm đến du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên trước đó, ngành du lịch Quảng Nam đã tiếp cận khái niệm này và bước đầu chuyển đổi tích cực trong thời gian qua.
Nhận thức đúng tăng trưởng xanh
Từ năm 2014, trong Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Bộ VH-TT&DL đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, hoàn thiện thể chế, khuyến khích đầu tư, bồi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển du lịch sinh thái nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao chất lượng cảnh quan, môi trường ở các địa phương.
Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch điêu đứng càng thúc đẩy các bên liên quan phải sớm hành động để tạo ra giá trị bền vững, giảm thiểu rủi ro, tổn thương cho môi trường du lịch nói riêng và môi trường sống nói chung.
Tại hội thảo xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, môi trường, tăng trưởng xanh và du lịch có gắn bó nhất định với nhau. Vì vậy, tăng trưởng xanh là một mục tiêu lớn, đồng thời là giải pháp để ngành du lịch phát triển bền vững.
Bộ tiêu chí với 7 nhóm tiêu chí để đánh giá được đề xuất bao gồm: tăng trưởng du lịch, tài nguyên du lịch, quản lý điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, việc làm, vai trò của cộng đồng. Có thể thấy, việc dự thảo đánh giá về tiêu chí tăng trưởng xanh định vị bao quát, hài hòa hơn các tiêu chuẩn để một điểm đến cấp tỉnh, thành phố hoặc khu du lịch cấp quốc gia được xem là một điểm đến xanh.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, lâu nay nhà quản lý du lịch hầu như chỉ chú trọng đến doanh thu và lượng khách ghé thăm khi đánh giá một điểm đến có thành công hay không. Trong khi đó, chúng ta rất ít khi thực hiện những cuộc điều tra tổng thể về xã hội học để nhìn nhận vấn đề tồn tại cũng như tìm ra yếu tố tiềm năng có thể giúp ích cho việc tăng trưởng, làm mới điểm đến du lịch.
Đồng bộ từng chủ thể
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai. Điều này đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch xanh Quảng Nam phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thế giới. Quảng Nam cần phải lấy du lịch bền vững làm trọng tâm để xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch địa phương trong thời gian đến.
Từ giữa năm 2020, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã tiếp nhận 6 bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững dành cho du lịch cộng đồng khách sạn vừa và nhỏ, nhà nghỉ sinh thái, lữ hành, homestay và điểm tham quan từ Chương trình Thụy Sĩ về phát triển du lịch bền vững (SSTP).
Điểm tích cực từ bộ tiêu chí này là hướng đến du lịch xanh, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, giảm áp lực lên di sản. Để cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã và đang tích cực xây dựng dữ liệu thông tin, phân tích thị trường dựa vào dữ liệu lớn; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với thông điệp “Quảng Nam - điểm đến xanh”, xây dựng dòng sản phẩm xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thay đổi nhận thức từ cộng đồng; đồng hành với chính quyền trong việc xây dựng cơ chế quản lý điểm đến xanh.
Ông Phan Xuân Thanh cho hay: “Để một điểm đến mới có nhiều cơ hội thành công, phát triển xanh bền vững thì Hiệp hội Du lịch tỉnh cần được cơ quan quản lý du lịch địa phương tạo cơ hội đưa ra tham vấn, đồng hành ngay từ khi khởi đầu. Nếu đợi đến khi đã triển khai mới vào cuộc rất khó để đưa ra các tư vấn, giải pháp bài bản”.
Tham chiếu từ dự thảo bộ tiêu chí nêu trên, có thể thấy Quảng Nam đã đáp ứng khá tốt về nhóm tiêu chí tăng trưởng du lịch, tài nguyên du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế trong việc quản lý điểm đến, cơ sở hạ tầng, việc làm và nhất là vai trò của cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, ngoại trừ ở Hội An, vai trò của cộng đồng trong phát triển điểm đến, nhất là điểm đến du lịch cộng đồng rất mờ nhạt. Thời gian qua, 15/19 điểm đến du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận cũng đã thành lập ban quản lý ở cơ sở, qua đó nâng cao khả năng thúc đẩy du lịch xanh trong thời gian tới.