Cầu nối giao thương khởi nghiệp
Việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường, kênh tiêu thụ là vấn đề sống còn với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa.
Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) đã và đang có những hoạt động kết nối thiết thực nhằm hỗ trợ tiêu thụ, nâng tầm các sản phẩm khởi nghiệp và OCOP.
Vào Nam
Kỳ vọng cộng đồng doanh nhân đoàn kết, tương trợ cùng phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn khát vọng phát triển quê hương giàu mạnh, xứng tầm vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Và trong sự phát triển đó không thể thiếu vai trò, đóng góp lớn của lực lượng doanh nhân. Đến nay, Quảng Nam có gần 8.000 doanh nghiệp. Việc kết nối với QNB là hoạt động vô cùng thiết thực, qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân phía Nam đối với quê hương mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn đội ngũ doanh nhân Quảng Nam trong và ngoài tỉnh đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa để thể hiện bản lĩnh những người con xứ Quảng. Đồng thời tin rằng việc kết nối giao thương cùng tinh thần hỗ trợ cùng phát triển sẽ tạo ra một cộng đồng doanh nhân phía Nam ngày càng lớn mạnh; các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp, OCOP sẽ có điều kiện gắn bó với lực lượng doanh nhân phía Nam để nâng cao năng lực quản trị, kết nối giao thương chiếm lĩnh thị trường khu vực phía Nam, hướng đến tiêu thụ cả nước và xuất khẩu.
Lần đầu tiên, một số lượng lớn DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu trong tỉnh đã hội tụ tại TP.Hồ Chí Minh. Chương trình “Kết nối giao thương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp và OCOP tỉnh Quảng Nam” diễn ra vào tháng 4 vừa qua, cũng là chương trình mà QNB lần đầu tổ chức nhằm hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp ở quê nhà trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Hơn 50 sản phẩm từ Quảng Nam đã cùng hội tụ với hơn 100 sản phẩm của các DN hội viên QNB và địa phương lân cận, tạo nên một ngày hội kết nối quy mô, lan tỏa, giữa bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 rất nặng nề đối với nền kinh tế.
Những sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu của Quảng Nam như phở sắn của Công ty CP Caromi (Quế Sơn), bột nhàu của cơ sở sản xuất Best One (Tam Kỳ), gạo lứt của Công ty TNHH Phương Nga (Hiệp Đức), dược liệu Mười Cường (Nam Trà My)… đều góp mặt trong chương trình.
Lần đầu tham gia sự kiện kết nối giao thương quy mô ngoài tỉnh, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (chủ cơ sở sản xuất Best One, Tam Kỳ) mong muốn lan tỏa giá trị và các sản phẩm từ trái nhàu Quảng Nam đến với cộng đồng người Quảng ở phía Nam và đặc biệt là tiếp cận với thị trường TP.Hồ Chí Minh.
“Sản phẩm bột nhàu sấy khô của cơ sở chúng tôi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, đã tiêu thụ trên cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tôi mong muốn sau sự kiện này, mọi người sẽ nói về sản phẩm của tôi và các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP mang đặc trưng Quảng Nam nhiều hơn” - chị Nhung chia sẻ.
Nói về giá trị kết nối khi tham gia sự kiện, chị Nguyễn Thị Tố Nga - Công ty TNHH Sản xuất TMDV Sosafco (Tiên Phước) cho biết: “Mỗi sự kiện được tổ chức đều mang ý nghĩa và hiệu quả nhất định. Với DN của tôi, qua sự kiện đã được đón nhận mối quan hệ mới, củng cố các đối tác, khách hàng cũ, đồng thời tích lũy thêm các kiến thức, kinh nghiệm mới trong giao thương, quảng bá sản phẩm…”.
Chủ cơ sở sản xuất Mười Cường (Nam Trà My) - chị Hồ Thị Mười thì chia sẻ cảm nhận niềm vinh dự, may mắn khi là phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số có sản phẩm góp mặt tại sự kiện. Qua đó trở thành cầu nối đưa sản phẩm dược liệu đặc trưng của đồng bào, cộng đồng mình đến với thị trường rộng lớn TP.Hồ Chí Minh…
Và ý tưởng "đầu tư ngược"
Là người có kinh nghiệm trong tiêu thụ sản phẩm tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Tố Nga cho biết, khoảng 10% các DN OCOP, DN khởi nghiệp đã có những sản phẩm mà thị trường chấp nhận. Nếu các DN có chính sách bán hàng hợp lý sẽ tiếp cận được thị trường này. Để tiếp cận thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, mỗi sản phẩm của DN phải định hướng được đối tượng khách hàng, có chính sách bán hàng và phân phối phù hợp.
“Nói tóm lại là DN phải xác định khách hàng và tìm cách tiếp cận khách hàng. Hãy chú ý tới giá trị của sản phẩm và làm cho khách hàng biết được giá trị đó” - chị Nga tâm sự.
Đó là những chia sẻ của người trong cuộc khi tham gia sự kiện lần đầu tiên do QNB tổ chức, còn với những người tổ chức, ắt hẳn họ không muốn việc kết nối giao thương chỉ dừng ở đó.
Ông Nguyễn Đắc Chín - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế QNB cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của DN bị ảnh hưởng, trong đó có hội viên QNB và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác nhu cầu thực sự lớn của sản phẩm OCOP và khởi nghiệp hiện nay chính là đầu ra và những kiến thức kinh nghiệm đầu tư, hoàn thiện chiến lược kinh doanh...
Thấu hiểu điều đó, QNB sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tổ chức các chương trình kết nối giao thương nhằm hỗ trợ DN có điều kiện gặp gỡ các nhà phân phối, nhà đầu tư, tư vấn để tìm ra giải pháp đầu tư hoàn thiện cho DN mình.
Không dừng lại ở kết nối giao thương thông qua các chương trình đơn thuần, QNB đã cụ thể hóa cam kết của mình bằng việc ra đời siêu thị online QNB - nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp Quảng Nam với bà con đồng hương, người tiêu dùng phía Nam; đồng thời là kênh thông tin hữu ích về xúc tiến thương mại, đầu tư, việc làm, kết nối giao thương giữa các thành viên QNB với nhau và với các doanh nghiệp khác.
Ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch QNB cho biết, các doanh nhân Quảng Nam phía Nam luôn muốn tìm về cũng như giới thiệu hương vị quê nhà đến mọi người, mọi miền. Do đó cần phải có nơi để tập trung giới thiệu sản phẩm Quảng Nam đến thị trường phía Nam. Từ đó ý tưởng siêu thị online QNB đã hình thành với mong muốn có một siêu thị Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Trần Vũ Lê - Chủ tịch Hội QNB cho biết, khi được mời tham gia các sự kiện về khởi nghiệp, được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp tại Quảng Nam, ông nhận thấy được hạn chế cốt lõi của phần lớn các DN khởi nghiệp.
Hầu hết họ đều mải mê sáng tạo, chăm chút cho sản phẩm mà còn xem nhẹ thương mại. Với khởi nghiệp, bán hàng quan trọng hơn sản xuất. Biết thị trường cần gì rồi mới sản xuất, đi kèm với quản trị tốt, thì xác suất thành công mới cao. Với DN nhỏ, tiềm lực tài chính có hạn thì rất khó để trụ vững nếu chỉ tập trung sáng tạo.
Nhìn thấy thực tế đó, QNB đã và đang vào cuộc thông qua sự kết nối của lãnh đạo tỉnh, Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh để hỗ trợ các bạn trẻ. Và ý tưởng “đầu tư ngược” là một trong những hành động cụ thể mà QNB đã và đang triển khai.
Ngoài các hoạt động training, đào tạo “thực chiến”, ông Lê cho biết, hiện QNB có hàng trăm hội viên là các DN có kinh nghiệm, năng lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau. QNB sẽ đứng ra làm cầu nối, kết nối để các DN có nhu cầu về quê đầu tư. Một trong số đó là đầu tư thông qua các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP có sẵn, với mục đích nâng tầm các sản phẩm đó trên thị trường…