Phim thực, đời ảo
Bất ngờ trở thành “phim trường”, những vùng quê yên bình sẽ dễ biến thành nơi chốn sống ảo. Thú vị làm sao khi khán giả tìm mọi cách để check-in phim trường ấy, như một cách đến gần hơn với nhân vật trên phim và truyện...
Thực của ảo
Phố cổ Bao Vinh, phía mặt sau của quán cà phê hướng ra sông, đoạn sông Hương đang uốn lượn thêm một đoạn nữa trước khi chảy đến ngã ba Sình để đón dòng nước sông Bồ chảy xuống. Bên kia sông là làng Tiên Nộn.
Nhưng tôi không tìm đến Bao Vinh để bát phố hoặc đi đò ngang Tiên Nộn mà đắm đuối với sắc màu ở làng nghề làm hoa giấy có tuổi đời mấy trăm năm. Tôi đang lần theo “dấu vết” bộ phim “Mắt biếc”, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Bây giờ, chớm hè 2021, quán cà phê “Mắt biếc” có thể không còn gợi nên sự tò mò cho bằng thời điểm bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ vừa công chiếu từ cuối năm 2019. Nhưng nhu cầu của khách phương xa muốn được một lần đến nơi các nhân vật Ngạn, Hà Lan… từng được nhập vai xem ra vẫn chưa dứt. Nơi này là phim trường thực, để các nhân vật ảo trong truyện được lộ diện trên phim.
Đoàn làm phim đã chọn ngôi nhà màu xanh ở địa chỉ 66 phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) để làm bối cảnh cho nhân vật nữ Hà Lan lên thành phố học cấp 3 trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh. Còn nơi mà Hà Lan tìm đến tâm sự với Ngạn mỗi khi buồn bã? Đã sẵn cây cầu bê tông cũ, “mọc” lên ngay mép sông, nằm ngay phía sau ngôi nhà ấy.
Không gian nghệ thuật trong truyện dài “Mắt biếc” chủ yếu thuộc địa phận Quảng Nam. Thuở nhỏ, Ngạn và Hà Lan học ở ngôi trường cũ và tên làng Đo Đo, thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình. Địa danh này khá quen thuộc, xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh, như “Ngồi khóc trên cây”…
Nhưng rồi, làng Đo Đo trên phim đã “dời” cả ra xứ Huế, chọn bối cảnh làng Hà Cảng ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền). Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo cũng mượn tạm căn nhà kho chứa vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ Phú Thuận ở xã Quảng Phú. Ngay như bối cảnh rừng sim, nơi các nhân vật chính trong truyện thường đạp xe đến chơi vào kỳ nghỉ hè, cũng quanh quẩn ở đất cố đô như đồi Thiên An.
Ảo của thực
Từ phim, các bối cảnh ấy lại… bước thẳng ra đời thực.
Có một dạo, nhiều người tìm đến chợ Tây Giang ở xã Bình Sa, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), nơi đoàn làm phim chọn bối cảnh để quay chợ Đo Đo, vốn dĩ chợ ấy nằm ở xã Bình Quế cùng huyện. Cây cô đơn ở làng Hà Cảng ngoài Huế cũng bớt hấp dẫn giới trẻ đến chụp ảnh so với ngày đầu phim công chiếu… Nhưng ngôi nhà nơi Hà Lan từng trọ học thời cấp 3, quay ở phố cổ Bao Vinh, thì khác.
Tôi vừa tìm đến quán cà phê “Mắt Biếc” khi cơn sốt phim đã hạ nhiệt. Trước khi thành “phim trường”, không gian này cũng từng bán cà phê, nhưng là cà phê vỉa hè. Khi bộ phim “Mắt biếc” công chiếu, ngôi nhà mà nhân vật Hà Lan trọ học trên phim cũng gây chú ý ngoài đời thực. Người ta tìm đến chụp ảnh, tham quan. Tất nhiên, chủ nhà cũng nhanh nhạy không kém: sửa sang và đổi luôn tên quán thành… “cà phê Mắt Biếc”.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, “cà phê Mắt Biếc” cũng trồi sụt theo khách, nhất là sau các đợt lũ lụt, dịch Covid-19. Nhiều lần phải đóng cửa. Nhưng mỗi khi hết giãn cách xã hội, hết ngập, quán lại đông đúc. Khách, bất kể lứa tuổi nào, khi đến đây vẫn muốn ngồi lên chiếc xe cổ dựng trước quán để chụp ảnh. Quán dành hẳn một bàn trống chỉ để khách trẻ selfie (chụp ảnh tự sướng). Không gian phía sau, mở ra bến sông, nơi có cây cầu bê tông cũ cũng là nơi bạn trẻ ưa thích. Nhiều bạn nữ mặc áo dài, nam cầm theo đàn guitar, cố tạo ra khung cảnh lãng mạn giống phim…
Tôi càng bất ngờ khi kết nối trang Facebook của “cà phê Mắt Biếc”. “Bạn đã xem bao nhiêu lần bản phim “Mắt biếc”? Bạn đã đọc bao lần về câu truyện đó? Và đã bao giờ bạn về thăm nhà cô của Hà Lan chưa? Mời bạn ghé thăm nơi đây để vừa uống một cốc cà phê Mắt Biếc và lưu lại những ký ức bên người bạn yêu nhé!”. “Hãy về với Mắt Biếc để có những bức hình đẹp và hòa mình vào không gian của dòng sông thơ mộng, bên cây cầu huyền thoại nơi Ngạn và Hà Lan từng tâm sự”... Tài khoản Facebook này từng có những dòng quảng bá lôi cuốn như thế. Đôi khi còn thấy những dòng trạng thái (status) như reo vui vì… đông khách: “Tiếp đoàn khách này xong là đuối luôn, Ngạn với Hà Lan sao nhiều thế!”.
Trên Báo Quảng Nam, tôi từng nhắc đến “phim trường tư nhân” tại Không gian nhà Việt Nam ở Điện Bàn, nơi một số đoàn phim chọn làm bối cảnh: Về mái nhà xưa (phim tài liệu, năm 2010), Tuổi thanh xuân 2, Táo quân ở trọ (hài kịch tình huống, cùng phát sóng năm 2017)… Cũng trong năm 2017, từng có lời kêu gọi hãy biến phim trường “Kong: Skull Island” thành sản phẩm du lịch, sau khi đoàn thực hiện siêu phẩm của Hollywood đến Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh quay nhiều cảnh. Lúc ấy, Quảng Bình là địa phương nhanh nhạy hơn cả, khi đàm phán với đoàn làm phim để dựng tượng 3 cánh tay của Kong tại 3 điểm quay, thậm chí tính đến tour tham quan phim trường.
Nhưng rồi, theo thời gian, phim trường “Kong: Skull Island” vơi dần chú ý, còn Không gian nhà Việt Nam vì là khu du lịch nên cứ “điềm nhiên” đón khách. Vậy nên, chuyện phim trường kiểu phim “Mắt biếc” đánh thức mối quan tâm đặc biệt của khán giả và kéo dài đến tận hôm nay là hiện tượng rất thú vị.