Giới hạn của sự tò mò

PHÚC NGUYÊN 21/06/2021 09:31

Trong bộ phim truyền hình “Cám dỗ” chiếu cách đây chừng hơn 20 năm có một cảnh mà lúc ấy vẫn còn xa lạ với nghề báo ở Việt Nam: Cảnh sát đến bắt người con trai đưa lên xe, bà mẹ chạy theo ra ngoài sân khóc. Một rừng ống kính phóng viên đã chờ sẵn. Xe cảnh sát rời đi, bà mẹ còn lại một mình. Bà nhìn đám phóng viên đang chụp ảnh lia lịa. Một phóng viên truyền hình bước lại gần chĩa micro vào bà: “Bà đang cảm thấy thế nào?”. Bà mẹ nhìn lại người phóng viên: “Kiếp sau tìm nghề gì tử tế hơn mà làm đi nhé!”.

Phóng viên Đoàn Hữu Trung - TTXVN quay máy đi chỗ khác, bật khóc khi thi thể một em bé được đưa ra từ bùn đất ở Trà Leng, 2020. Ảnh: HOÀNG THẾ LỰC
Phóng viên Đoàn Hữu Trung - TTXVN quay máy đi chỗ khác, bật khóc khi thi thể một em bé được đưa ra từ bùn đất ở Trà Leng, 2020. Ảnh: HOÀNG THẾ LỰC

Ý thức “quyền riêng tư”

Câu hỏi về sự tử tế và những giới hạn của nghề báo ở Việt Nam nhiều năm sau mới được đặt ra. Năm ngoái, khi phi công người Anh -  bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nước sau một thời gian dài điều trị ở Việt Nam, ông không chấp nhận cho báo chí đến đưa tin chụp ảnh mình với lý do việc đó xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Đó là lần báo chí bị từ chối một cách chính thức và quyết liệt từ một cá nhân.

Có lẽ các nhà báo cho rằng bệnh nhân này phải mang ơn Việt Nam nên đương nhiên có nghĩa vụ trả ơn bằng cách để báo chí tiếp cận mình. Có tờ báo Việt Nam đã gọi hành vi từ chối báo chí của ông ấy là “chảnh”.

“Với những tờ báo, trang mạng chuyên đưa tin bài câu khách bất chấp hậu quả có thể xảy đến với số phận con người, cần khuyến khích những người bị xâm hại đưa vấn đề ra tòa án thay vì ngồi chờ một quyết định từ các cơ quan quản lý báo chí trực tiếp. Và nếu có bằng chứng rõ ràng về thiệt hại vật chất và tinh thần với bản thân, hãy đòi đền bù bằng một con số lớn, bởi với những người xưng danh nhà báo mà thiếu đạo đức thì họ sẽ không bao giờ “đổ lệ” khi chưa nhìn thấy cổng nghĩa trang trước mặt”.

(Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân)

Mega story, đưa đồ họa vào câu chuyện, tòa soạn hội tụ, breaking news hay đài truyền hình livestream trên Facebook ngày càng trở nên phổ biến. Đó là những cách làm báo hiện đại được tiếp cận nhanh chóng nhưng ý thức về quyền riêng tư vẫn là một khoảng trống ở nhiều tòa soạn báo Việt Nam.

Phóng sự truyền hình, nếu kể về một người khuyết tật vẫn nhìn thấy cảnh cận hoặc thậm chí zoom-in vào chiếc chân cụt rồi lia máy quay lên mặt người; nếu về bệnh tay chân miệng vẫn nhìn thấy cảnh lia từ những nốt mụn lên mặt bệnh nhân.

Trong cơn lũ quét qua Nam Trà My tháng 10 năm ngoái, một phóng sự quay gia đình có 8 người chết vì bị lũ cuốn trôi vẫn cố phỏng vấn người thân của họ cho bằng được. Một chương trình truyền hình trực tiếp còn đưa những em bé vừa mất cha mẹ vào ngồi ngay ngắn bên các quan chức, chiếu đèn và người dẫn chương trình trò chuyện như không biết đến nỗi đau của nạn nhân.

Trong khi các app chỉnh ảnh cho điện thoại thông minh mọc ra như nấm, ai cũng muốn hình ảnh của mình xuất hiện trước người khác đẹp đẽ sáng sủa, thì có những nhà báo vẫn sẵn sàng chụp ảnh nhân vật trong những tình huống nhạy cảm nhất, và rồi những tấm ảnh đó bị Google lưu lại mãi mãi.

Hồi đầu năm nay, hàng chục tờ báo đăng tin nghệ sĩ Thương Tín bị đột quỵ kèm tấm ảnh ông nằm trên giường bệnh cấp cứu, da tái xám, mắt nhắm nghiền, miệng há ra, mũi gắn ống thở, tấm ảnh chắc chắn không được Thương Tín và người thân cho phép sử dụng bởi lúc đó ông đang hôn mê và chưa tìm được người thân. Có lẽ ngay cả phóng viên và tòa soạn cũng không biết rằng đăng những hình ảnh như vậy là xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân và hoàn toàn có thể bị kiện, hoặc biết nhưng vì muốn câu view nên vẫn cứ đăng.

Trách nhiệm đạo đức

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả các hãng truyền hình và tờ báo lớn trên thế giới đôi khi cũng vấp phải làn sóng chỉ trích vì để lộ thông tin của cá nhân. Gần nhất là vụ việc các nhà báo của CNN và MSNBC tiếp cận ngôi nhà của kẻ xả súng làm hàng chục người chết ở San Bernardino, trong lúc quay những thứ còn lại trong nhà đã cận cảnh những tấm ảnh em bé con của hung thủ và số an sinh xã hội của mẹ anh ta - những người không hề liên quan đến tội ác. Và ngay cả những phiên tòa ở nhiều nước cũng không cho phép nhà báo được chụp ảnh bị cáo trước vành móng ngựa mà chỉ cho phép ký họa.

Rõ ràng chĩa ống kính vào một người đang yếu thế hoặc bị tổn thương ở cự ly gần là một sự thô thiển và kém cỏi về mặt nghề nghiệp. Và hơn cả nghề nghiệp, nó còn là vấn đề đạo đức. Trong bộ phim tài liệu “The American war” về thời hậu chiến ở Việt Nam, đạo diễn Daniel L. Bernardi phỏng vấn một cựu nữ biệt động thành.

Khi nhân vật đang kể về nhiều năm sau chiến tranh gặp lại người từng tra tấn mình dã man, cơn xúc động quá độ làm chứng động kinh tái phát, bà ngã vật xuống đất, người quay phim vẫn giữ nguyên khuôn hình, chỉ thấy một đôi chân giật lên và sau đó được đưa ra ngoài hình, còn lại là nền nhà và những tiếng động, tiếng kêu từ phòng bên vọng lại.

Phim “Người con gái Đà Nẵng” cũng tương tự, khi cô con gái lai Mỹ từ trong nhà chạy ra ngoài vườn xa đứng khóc vì tủi thân, máy quay vẫn đứng trong nhà, với một cảnh rộng rất lâu, khán giả chỉ nhìn thấy từ phía sau bờ vai cô gái rung lên bần bật và tiếng thổn thức, hoàn toàn không có cảnh cận nước mắt hay nét mặt nhăn nhúm biến dạng, thậm chí khuôn hình không hề chuyển sang cảnh trung hay cận mà vẫn là toàn cảnh.

Ý thức về giữ gìn quyền riêng tư cho nhân vật, hay một sự đồng cảm sâu sắc với con người mới có thể khiến người làm phim giữ được sự bình tĩnh tới mức ấy? Có lẽ là cả hai.

Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp được áp dụng ở các tờ báo hàng đầu thế giới là “làm tốt nhất mà ít gây hại nhất”. Đứng trước một cảnh tượng nhạy cảm, nhà báo phải đặt câu hỏi: Độc giả/khán giả có cần biết điều này không? Nó liên quan như thế nào đến bản chất câu chuyện? Việc xuất bản thông tin/hình ảnh này có phục vụ lợi ích công chúng không? Công chúng xứng đáng được cung cấp thông tin để hiểu rõ sự việc, nhưng đâu là giới hạn của quyền được biết và sự tò mò tọc mạch? Khi nào thì quyền được biết của công chúng lớn hơn quyền riêng tư của cá nhân? Và trong khi luật pháp chưa đủ hoàn thiện để bảo vệ quyền riêng tư, trách nhiệm đạo đức của nhà báo càng cần thiết hơn bao giờ hết.

PHÚC NGUYÊN