Có lệnh, là lên đường
Làm báo, không ít lần tôi và các đồng nghiệp lao vào “điểm nóng” để tác nghiệp. Có khi vượt suối cắt rừng - những khu vực đất đá có thể ập xuống bất cứ lúc nào để vào được điểm sạt lở. Có khi không ngại nguy cơ lây nhiễm để vào vùng tâm dịch Covid-19. Hễ có lệnh là lên đường.
Vừa đi vừa run
Bão số 9 (tháng 10.2020) tan, đang cặm cụi dọn nhà thì nhận cuộc điện thoại phân công nhiệm vụ mới từ tòa soạn. Vậy là chúng tôi cắt rừng vào Trà Leng (Nam Trà My) - nơi vừa xảy ra cuộc lở núi khiến hàng chục người chết và bị thương.
Đường đến “điểm nóng” thăm thẳm rừng. Những gỗ keo đổ rạp xuống đường, vết tích rất mới của trận bão ngày hôm trước. Nhiều điểm sạt lở xuất hiện, cắt ngang quốc lộ, buộc tất cả phương tiện phải dừng lại.
Hàng chục công nhân xe múc, bộ đội công binh làm nhiệm vụ mở đường, nhưng sau hàng giờ đồng hồ trôi qua, tuyến đường vẫn chưa được khơi thông dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2. Chúng tôi bàn cách để tìm phương án khác.
Một chiến sĩ công an làm nhiệm vụ gần đó cho hay, vẫn còn một đường tắt, nhưng ngược từ xã Trà Tân (Bắc Trà My) lên, băng qua rừng keo dọc chân núi gần chục cây số. Theo con đường xuyên núi gập ghềnh đất đá, chúng tôi cũng vượt qua “ải” đầu tiên.
Chưa kịp thở phào, chúng tôi buộc phải dừng chân khi phía trước xuất hiện một điểm sạt lở đất nghiêm trọng. Hàng nghìn khối đất đá từ taluy dương đổ ập xuống đường, cây cối chắn ngang, người đi bộ cũng không thể qua.
Đúng 12 giờ trưa, sau nhiều lần gắng sức, tài xế xe múc thông báo “bó tay”, chờ thêm xe chi viện. Phải vượt qua rất nhiều “điểm nghẽn”, chúng tôi mới đặt chân đến địa phận Trà Leng.
Hàng chục lần leo lên rồi nhảy xuống từ xe tải, xe công trình, cho đến “quá giang” xe máy… chúng tôi mới tiếp cận được những người dân bị thương được khiêng ra ngoài cấp cứu. Ám ảnh cứ dồn dập đập vào mắt. Hàng chục trẻ em, người lớn nằm la liệt dưới cáng võng, tiếng kêu la thảm thiết.
Chỉ có thể lội bộ để tiếp cận hiện trường vụ lở đất kinh hoàng tại nóc Ông Đề. Từ cổng chào Trà Leng, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới đến điểm sạt lở. Dọc đường đi, có thêm hàng chục điểm sạt lở khác, nằm cách nhau chỉ vài chục mét.
Một đồng nghiệp đi cùng nói, lần đầu tiên anh chứng kiến cảnh tượng như thế này. Chúng tôi vừa đi vừa run. Bởi phía trên cao, đất đá có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Hiểm họa rõ mồn một, nhưng những nóc nhà người Xê Đăng, M’Nông vẫn mặc nhiên ẩn sâu dưới chân núi.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong cánh rừng, dọc đường thấy nhiều “bệnh viện dã chiến” dựng lên. Từng đoàn người tay cầm bình truyền nước, vai khiêng nạn nhân đi trong tâm thế vội vã. Lẫn trong tiếng khóc, là những lời động viên, cố trấn an bệnh nhân gượng sức trên đường đi cấp cứu.
Vào “vùng đỏ”
Tháng 8.2020, dịch Covid-19 tái bùng phát ở Quảng Nam và một số tỉnh lân cận. Ghi nhận nhiều ca dương tính, khối phố An Hội (phường Minh An, TP.Hội An) được lệnh phong tỏa để chống dịch. Tôi theo đoàn kiểm tra của tỉnh, trực tiếp vào “vùng đỏ” để tác nghiệp.
Dọc bờ sông Hoài, những rào chắn được dựng lên, ngăn dòng người qua lại. Nơi “ranh giới” vùng dịch, luôn có hàng chục cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân viên y tế làm nhiệm vụ kiểm soát.
Quyết định vào bên trong khu vực phong tỏa, chúng tôi được khuyến cáo mặc đồ bảo hộ. Trùm kín mít người, càng lúc cảm giác nóng ngột ngạt, rất khó chịu. Sau gần 30 phút tác nghiệp, chúng tôi được lệnh rút khỏi khu vực phong tỏa. Toàn bộ áo quần bảo hộ được tháo bỏ, đặt ở một vị trí cố định, khắp người mồ hôi đã ướt đẫm. Và tôi nhớ đến họ - những bác sĩ ngày đêm ra sức chống dịch...
Dịch bệnh nên chúng tôi được cấp giấy đi đường để tác nghiệp. Có lệnh của tòa soạn là đi. Hết đồng bằng lại biên giới, những chuyến đi đến chốt kiểm soát biên phòng xa cả vài trăm cây số, liên tục cả mùa dịch. Chưa lần nào tôi từ chối nhiệm vụ. Những thôi thúc ấy, không đơn thuần là trách nhiệm công việc, mà cả lửa nghề luôn cháy, để thao thức theo từng bản tin, số phận nhân vật trên đường tác nghiệp...