Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng: 15 năm in dấu chân, nẻo đời...
Giải thưởng báo chí mang tên Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng được hình thành, duy trì qua 15 năm và sẽ còn phát triển.
Đã xuất hiện bao dấu chân nhà báo in đậm những tâm tình sâu lắng với đất và người xứ Quảng trong tác phẩm của mình.
Khởi đi từ năm 2006, Hội Nhà báo Quảng Nam đề xuất và được UBND tỉnh chuẩn y, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng được hình thành, thực hiện mùa xét chọn đầu tiên với các tác phẩm được đăng tải trong hai năm 2006-2007. Là người có vinh dự tham gia xuyên suốt 15 năm với hai tư cách: tác giả tham dự giải (3 mùa đầu) và thành viên ban giám khảo (từ mùa giải thứ IV đến nay), xin kể vài ấn tượng với góc nhìn riêng về Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Niềm vui nhân lên
Ngay từ mùa giải đầu, Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng đã không khu biệt “sân chơi” cục bộ cho các cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh. Vì vậy, dù Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh (QRT) chiếm số đông trong 25 giải thưởng được trao lần thứ I, nhưng các giải cao của báo in thuộc về những tác phẩm đăng tải trên các tờ báo phát hành cả nước như “Mẹ Thứ giữa đời thường” (giải Nhất - Lê Anh Dũng, Báo Quân đội nhân dân), “Đạo làm người của già làng Bh’noong” (giải Nhì - Huỳnh Văn Mỹ, Báo Tuổi trẻ), “Tiếng Dân - Thèm kêu một tiếng” (giải Nhì - Lê Trung Việt, Báo Tiền phong).
Nhân lên niềm vui của giải là sự lan tỏa ngày càng rộng rãi, với sự góp mặt đông đảo nhà báo từ cơ quan báo chí có phạm vi phát hành, phát sóng trong cả nước và cả nhiều nhà báo không chuyên. Trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao như: “Vùng nguyên liệu tập trung ở Quảng Nam: khi quan hệ nhà máy - nông dân bị phá vỡ” (giải Nhất báo nói mùa II - Thanh Hằng, Đài Tiếng nói Việt Nam), “Người giữ thành Hà Nội (giải Đặc biệt báo hình mùa IV- Huỳnh Hùng, Đài Phát thanh- truyền hình Đà Nẵng), “Gian nan cắm mốc biên cương” (giải Nhất báo ảnh mùa VI - Nguyễn Văn Thành, Báo Tiền phong), “Sống trong ám ảnh động đất (giải Nhất báo ảnh mùa VII - Tấn Vũ - Đăng Nam, Báo Tuổi trẻ), “Con đường của lòng dân” (giải Nhất báo ảnh mùa VIII - Nguyên Khôi, Báo Sài Gòn giải phóng), “Mai sau còn có chút này” (giải Nhất thể ký báo chí năm 2016 - Lê Trung Việt, Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh), “Kinh hoàng mua bán chất độc cyanua” (giải Nhất bài phản ánh năm 2016 - Lê Hoàng Sơn, Báo Thanh niên)… Báo Tuổi trẻ năm 2015 đoạt giải đúp giải Nhất báo in (Trên mái nhà miền Nam - Hồ Tấn Vũ) và giải Nhất báo ảnh (Lấy nhựa dầu rái - Hồ Tấn Vũ).
Suốt hành trình của giải, Báo Quảng Nam và QRT, luôn có tác phẩm tham gia và nhiều lần đoạt giải cao. Với Báo Quảng Nam, mở màn cho loại hình báo in ở mùa giải đầu tiên là tác phẩm “Phú Ninh không chỉ là chuyện nước” của Trịnh Dũng đoạt giải Nhì. Ở mùa 2 là giải Nhất cho loạt bài “Nhận diện các Hợp tác xã ở Quảng Nam” (Nguyễn Văn Sự).
Tiếp mùa thứ 3 (2008-2009) có loạt bài “Quảng Nam - Đêm trước khoán 10” (Nguyễn Hữu Đổng - Phan Văn Phờ - Nguyễn Tam Mỹ - Huỳnh Phước Lê) đoạt giải Đặc biệt. Đáng chú ý, tác phẩm này tiếp tục đoạt Giải C, Giải báo chí quốc gia, là giải cao nhất của Báo Quảng Nam có được kể từ khi tái lập tỉnh đến thời điểm đó.
Với QRT, mở màn giải Nhất báo hình là tác phẩm “Những thiên đường du lịch trên giấy” (mùa giải lần 2, 2007-2008), và cùng trong năm này có giải Đặc biệt về báo nói cho tác phẩm “Cầu phát thanh trực tiếp: Thủy chung nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam” (Hồ Trọng - Thanh Phương). Rất ấn tượng là mảng phim tài liệu của QRT, từng có sự tham gia của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khắc Phục cùng đạo diễn Nguyễn Vinh Quang và các anh em nhà đài, liên tục hai mùa đoạt giải cao nhất với tác phẩm “Một đời đạo pháp và dân tộc” (giải Đặc biệt lần thứ V) và “Phan Thanh - nhà trí thức cách mạng” (giải Nhất lần thứ VI ).
Chỉ điểm xuyết như vậy đủ thấy ấn tượng sự hội tụ của đội ngũ báo chí trong và ngoài tỉnh. Rồi những mùa trao thưởng trôi đi nhưng dấu ấn sẽ khó quên với lịch sử báo chí Quảng Nam khi nhắc lại các tác phẩm được vinh danh. Qua gạn lọc của thời gian và bạn đọc, sẽ còn lắng lại tác phẩm báo chí kể câu chuyện của vạn nẻo đời một cách trung thực, sinh động...
Những bước ngoặt khó quên…
Hành trình 15 năm của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng có thể phân chia nhiều giai đoạn với các bước ngoặt tăng cấp về quy mô, số lượng, chất lượng và giá trị giải thưởng.
Từ những mùa giải đầu tiên với chưa đầy 100 tác phẩm tham dự qua mỗi lần tổ chức; số lượng tác phẩm, tác giả và cơ quan báo chí hưởng ứng Giải thưởng hằng năm liên tục tăng.
Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, nhiều năm tham gia ban tổ chức và ban giám khảo, cho biết: “Những năm gần đây, mỗi mùa giải có trên dưới 200 tác phẩm và hơn 30 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh góp mặt; riêng mùa giải lần thứ XV (2020-2021), có gần 300 tác phẩm gửi tham dự ở cả 5 loại hình: báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh và báo điện tử”.
Năm 2015 được xem là bản lề ghi dấu chuyển động lớn của Giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Trước đó, từ mùa I đến IX, mỗi kỳ chỉ có 21-27 tác phẩm được trao giải. Từ lần thứ X (2015-2016) trở về sau, mỗi mùa có 41-44 tác phẩm được trao thưởng. Không chỉ số lượng trao thưởng tăng lên nhiều mà “giá trị hiện kim” kèm theo ở mùa giải thứ X cũng khá hơn, với mỗi giải Nhất tăng từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng. Quan trọng là thay đổi cơ cấu giải với sự mở rộng, có thêm báo điện tử và chuyên biệt hóa các thể loại báo chí.
Chẳng hạn, loại hình báo viết được tách bạch chuyên sâu thể loại với giải ký báo chí khác với giải bài phản ánh, tường thuật, bình luận, chuyên luận; còn báo hình có giải phim tài liệu, phóng sự truyền hình khác với giải dành cho thể loại tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến. Chính nhờ tách bạch chuyên biệt thể loại mà việc đánh giá chất lượng tác phẩm sát thực hơn về mức độ đầu tư công phu của tác giả, cũng như xem xét sự lan tỏa khác nhau.
Đến lần thứ XV (2020-2021), Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng sẽ có bước “nhảy vọt” đáng kể về cơ cấu giải thưởng. Theo thông tin từ ban tổ chức giải, lần này sẽ có đến 60 tác phẩm được trao thưởng, “giá trị hiện kim” cũng tăng lên (Nhất - 15 triệu đồng, Nhì - 10 triệu đồng, Ba - 8 triệu đồng). Đặc biệt, sẽ có giải riêng cho báo điện tử, đồng thời có tới 4 loại giải chuyên đề dành cho mảng đề tài về Bảo hiểm xã hội, Khởi nghiệp, “Tam nông” và Sâm Ngọc Linh.
*
* *
Sẽ cần một chuyên khảo sâu hơn mới thấy được những thành quả của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Bởi trong một bài viết ngắn, rất khó đi vào nhìn nhận giá trị các tác phẩm đoạt giải ở nhiều góc độ, từ phát hiện đến xử lý đề tài, từ đóng góp của những “cây bút có thẩm quyền” đến các nhà báo trẻ, đã rung động với hơi thở đời sống, với bao sắc màu văn hóa của vùng đất - con người xứ Quảng.
Chỉ biết rằng, qua 14 lần tổ chức đã có 437 tác phẩm được trao thưởng (tính thêm mùa giải 2020-2021 sẽ có tổng gần 500 tác phẩm đoạt giải). Được biết “Tổng tập tác phẩm đoạt Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng” đang được Hội Nhà báo Quảng Nam tập hợp xuất bản, sẽ cho cái nhìn toàn cảnh đầy đủ hơn.
Lịch sử báo chí Quảng Nam sẽ cần biên khảo thêm về quãng đường 15 năm của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng.
Như phù sa lắng lại, qua các tác phẩm được vinh danh tại giải báo chí này cũng góp nguồn tư liệu để nhìn nhận chân thực, sinh động, sắc nét về mọi mặt đời sống Quảng Nam, cả những dự cảm quá khứ còn có ích cho hôm nay và mai sau.