Nhà báo pháp Ernest Babut và tình bạn với Phan Châu Trinh

ANH QUÂN 20/06/2021 15:31

Từ một người lính viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương, Alfred Ernest Babut trở thành nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, hỗ trợ tích cực cho các nhà yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, Ernest Babut có mối quan hệ khắng khít với chí sĩ Phan Châu Trinh.

Nhà báo Pháp Alfred Ernest Babut năm 1905. Ảnh do gia đình gửi tặng bà Lê Thị Kinh năm 1999.
Nhà báo Pháp Alfred Ernest Babut năm 1905. Ảnh do gia đình gửi tặng bà Lê Thị Kinh năm 1999.

Mời làm Tổng biên tập tờ Đại Việt tân báo

Theo tư liệu do bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) - cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh, tổng hợp, thì Alfred Ernest Babut - sinh năm 1878, “đến Đông Dương năm 1899 lúc 21 tuổi, ở Sài Gòn 2 năm, sớm ra khỏi quân đội viễn chinh và ra hoạt động ở Hà Nội đầu năm 1902…

Là người có tư tưởng phóng khoáng, ông đối lập sâu sắc với chính sách thuộc địa và luôn tìm cách để giúp đỡ người Việt Nam. Là thành viên sáng lập năng nổ nhất trong chi nhánh Liên minh Nhân quyền Hà Nội, ông chọn con đường hoạt động báo chí để vận động dư luận chống áp bức bất công”.

Trong quá trình hoạt động báo chí cũng như với vai trò thành viên Liên minh Nhân quyền Pháp, Ernest Babut có mối liên hệ với Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường…; trong đó, Ernest Babut có một mối quan hệ đặc biệt khắng khít với chí sĩ Phan Châu Trinh (sinh năm 1872).

Năm 1907, khi ra Bắc, với những hoạt động dân quyền của mình, Phan Châu Trinh được Ernest Babut - chủ bút tờ báo chữ Hán “L’Annam - Đại Việt tân báo” mời làm Tổng biên tập, thay vai trò của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ đảm nhiệm từ năm 1905. Bài báo nổi tiếng “Hiện trạng vấn đề” của Phan Châu Trinh được đăng khoảng cuối tháng 12.1907 trên tờ báo này thể hiện rõ tư tưởng “chi bằng học”, sau này được dịch và đăng lại trên tờ “Le Pionnier Indochinois” (Người tiên phong Đông Dương) và báo “Tiếng Dân” của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Can thiệp giải cứu Phan Châu Trinh

Ngay sau khi Phan Châu Trinh bị bắt ngày 31.3.1908 do cáo buộc cầm đầu phong trào Trung kỳ dân biến, trong bài viết “Tiếng vọng của chúng tôi” đăng trên tờ báo tiếng Pháp “Le Pionnier Indochinois” ra cùng ngày do mình làm chủ bút, Ernest Babut nêu rõ: “Phan Châu Trinh không phạm tội nào hết. Sai lầm duy nhất của ông ta (mà chúng tôi không coi là sai) là thấy nhiều việc không tốt ở Đông Dương và dám nói, dám viết lên điều đó”.

Khi Phan Châu Trinh bị triều đình nhà Nguyễn kết án đày chung thân và giam tại Côn Đảo, Ernest Babut kiên trì triển khai hàng loạt hoạt động trên cả Đông Dương và tại Pháp, bằng việc vận động nhà cầm quyền Pháp và tác động dư luận Pháp qua những bài báo đanh thép.

Trong diễn văn tại cuộc họp của Liên minh Nhân quyền ngày 1.2.1909 diễn ra tại Pháp, ông Marius Moutet - nghị sĩ Pháp, khẳng định: “Phải nói rõ là ông (Phan Châu Trinh - NV) chỉ được cứu thoát nhờ sự can thiệp của ông Babut, một thành viên của Liên minh Nhân quyền. Ông này đã phản kháng ngay lập tức trên tờ “Le Pionnier Indochinois” và đã nêu rõ là một án như thế sẽ cực kỳ đáng kinh tởm”.

Nhà báo Babut tại Pháp năm 1903. Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Kinh
Nhà báo Babut tại Pháp năm 1903. Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Kinh

Trong thư gửi Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ngày 1.3.1910 đề nghị giải thoát Phan Châu Trinh khỏi nhà lao Côn Đảo, Ernest Babut viết: “Tôi không giấu giếm là tôi đã luôn tin và đang tin Phan Châu Trinh là nạn nhân của một sự lẫn lộn mà bọn mật vụ bản xứ được Chính phủ sử dụng đang cố ý gây ra. Đó cũng là quan điểm của tất cả những người Nam đủ mọi tầng lớp tôi đã hỏi vấn đề này. Và cũng là quan điểm của tôi theo những ý kiến của Phan Châu Trinh đã nói với tôi hoặc đã viết trong các tác phẩm ông ta”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó của Ernest Babut và Liên minh Nhân quyền Pháp, tháng 6.1910, Phan Châu Trinh được phóng thích khỏi nhà tù Côn Đảo và đưa về an trí tại Mỹ Tho, để đến tháng 4.1911 thì sang Pháp.

Giao tình trên đất Pháp

Năm 1920, khi trở về Pháp, Ernest Babut tiếp tục giữ mối liên hệ với Phan Châu Trinh. Theo mật báo ngày 14.8.1920, Deveze cho biết “…đã đến tìm Phan Châu Trinh nhưng Phan Châu Trinh đã rời Paris đi Chartres, hiện ở số 9 rue de la Volaille từ 15.7 vừa qua. Babut hiện ở số 5 đường Vintimille… Trong một chuyến thăm ông ta đã khoe có công cứu sống Phan Châu Trinh trong một vụ án bị kết tội có âm mưu chống chính phủ”.

Còn theo mật báo ngày 18.8.1920 của Deveze, thì “Sáng thứ Bảy (14.8) khoảng 9 giờ Trinh đã rời 6 Villa des Gobelins để đến thăm bạn là Babut ở số 5 đường Vintimille. Ông này vắng nhà. Trinh đã để thiếp lại… Trinh đã nói với bà gác cổng ý định của ông ta muốn đưa con trai trở qua Pháp và ông Babut đã hứa sẽ vận động Bộ trưởng Thuộc địa để xin được đi miễn phí”.

Sau khi được giải thoát khỏi ngục Santé vào tháng 7.1915, Phan Châu Trinh tìm việc làm, tiếp tục những hoạt động yêu nước và đấu tranh dân chủ dân quyền ngay trên đất Pháp. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut ngày 15.3.1922, Phan Châu Trinh viết: “Ông Babut cho tôi biết tôi có hy vọng được gặp Ngài sau khi Ngài đi hội nghị Washington về, vì vậy nhờ vào lòng đại lượng của Ngài Guesde - Tổng đại diện Đông Dương, tôi đã nhận một vị trí tạm thời tại Triển lãm Thuộc địa Marseille để chờ cuộc tiếp kiến ấy, trước khi tôi đi xa trong vòng một tháng”.

Tuy nhiên, ngày 18.3.1922, Phan Châu Trinh gửi thư cho Babut, báo quyết định bỏ việc tại Triển lãm Thuộc địa: “Chắc ông còn nhớ, tôi tưởng đã nói rõ với ông rằng, nếu tôi còn ở lại Pháp là chỉ để chờ hội kiến với quan Thượng thư Sarraut. Vả lại, chính ông đã gợi ý cho tôi như thế và tìm cho tôi một chỗ làm tại Marseille. Tôi đã nhận chỗ làm trong ý hướng duy nhất đó”.

Phan Châu Trinh nói ông bỏ chỗ làm vì “Trái với điều tôi nghĩ, tôi nhận thấy ngay từ những ngày đầu mới đến đây, người ta có vẻ nhìn tôi như một kẻ ăn xin khốn khổ bị cái đói rình rập và chẳng biết sỉ nhục”. Nhưng sâu thẳm, Phan Châu Trinh trải lòng “vì ở đây tôi không thể chịu đựng được sự có mặt của Khải Định mà chính quyền thuộc địa sẽ giới thiệu dưới mắt thiên hạ là Hoàng đế An Nam!” (“Phan Châu Trinh toàn tập”, GS. Chương Thâu chủ biên, tập 3, NXB Đà Nẵng - 2005).

Sau đó, trong thư gửi cho Guesde từ Paris ngày 28.3.1922, Babut tỏ ra hối tiếc: “Ôi, thật đáng tiếc là ta không sử dụng được con người ấy cho lợi ích của dân An Nam và cho lợi ích của chúng ta, như ông Lefol hôm qua còn nói như vậy, một con người mặc dù tính tình có kỳ quái, tôi vẫn giữ nhiều thiện cảm và lòng kính trọng đối với ông ta”.

*
*          *

Trong quá trình hoạt động của mình, Ernest Babut dĩ nhiên có những cách nhìn nhận vấn đề về đấu tranh giải phóng dân tộc khác với những người yêu nước Việt Nam; nhưng ông đã có những hỗ trợ tích cực cho những nhà hoạt động cách mạng. Ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt đi tù nhiều lần và cuối cùng, bị đưa đi “an trí” tại Đà Lạt đến năm 1959 trở về nước và mất tại Pháp vào ngày 5.6.1962.

ANH QUÂN