Tổng lực cho các mũi đột phá

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 20/06/2021 09:43

Đột phá hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư và định hướng chiến lược phát triển vùng Đông là chương trình nghị sự lớn của Quảng Nam, không chỉ trong 5 năm đến. Quảng Nam đặt quyết tâm cao trong từng mũi đột phá với những bước đi cụ thể có tính khả thi cao. Các mũi đột phá này có gì mới mẻ, khác biệt so với trước đây? Nguồn lực từ đâu để hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng của địa phương? Những chia sẻ của lãnh đạo chính quyền, sở ngành với Báo Quảng Nam sẽ cho chúng ta cái nhìn cận cảnh hơn về từng mắt xích trong chuỗi thực hiện, vì Quảng Nam phát triển bền vững.

Sông Trường Giang sẽ được nạo vét, khơi thông và đầu tư kết cấu hạ tầng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Trường Giang sẽ được nạo vét, khơi thông và đầu tư kết cấu hạ tầng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH: “TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT”

 

Chiến lược phát triển vùng Đông đã thay đổi. Xác định 6 nhóm dự án trọng điểm: sân bay, cảng biển, công nghiệp ô tô và cơ khí đa dụng, khu công nghiệp và công nghệ cao, các khu đô thị du lịch ven biển và nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.

Các khu công nghiệp và công nghệ cao (mở rộng về phía tây ven đường cao tốc thuộc Núi Thành), thu hút các dự án giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng đất đai nhưng đóng góp nhiều cho ngân sách, thay cho công nghiệp hỗ trợ may mặc và cả công nghiệp điện khí.

Các khu công nghiệp chuyển sang sinh thái. Không phát triển hệ thống nhà xưởng một cách dày đặc, thiếu cây xanh, cảnh quan, xử lý môi trường, nước thải. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết gây trở ngại thực hiện nông nghiệp cao nên chuyển dịch sang nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất an toàn. 

Phát triển đô thị du lịch trước đây chủ yếu xây nhà để bán, giờ đô thị du lịch sẽ hướng về khai thác các dòng sông, ven biển. Quy hoạch đô thị dựa vào giá trị cốt lõi của từng khu vực sinh thái, có điểm nhấn, kiến trúc, quy hoạch từng đô thị phù hợp chức năng riêng.

Hội An sẽ trở thành trục đô thị hạt nhân phía bắc, mở rộng ra vùng Điện Bàn, Duy Xuyên, giãn dân phố cổ và kiến trúc, không gian quy hoạch phù hợp với phố cổ. Thăng Bình có quỹ đất lớn, hình thành những đô thị hiện đại, tạo đột phá phát triển vùng Đông, kết nối đô thị phía bắc với đô thị loại I tương lai phía nam, gắn chức năng riêng lẽ của các đô thị (Tam Kỳ xanh, Núi Thành công nghiệp ô tô và Phú Ninh tri thức).

Sông Cổ Cò đã triển khai nạo vét. Giai đoạn này sẽ tính toán việc khơi thông, nạo vét, đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch phát triển 70km sông Trường Giang. Khi các tuyến sông này phát triển mặc nhiên sẽ kích thích sự bùng nổ, tạo tiền đề cho phát triển đô thị du lịch ven biển, ven sông.

Quy hoạch theo từng dòng khách, theo từng khu vực cụ thể. Không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ (không phát triển các loại hình đan xen nhau như trước). Nếu thị trường nào bị ảnh hưởng sẽ có một thị trường khách khác bổ sung, duy trì sự phát triển du lịch ổn định, lâu dài.

Ba khu phi thuế quan gắn sân bay, cảng biển và đô thị Tam Hòa, Tam Tiến (Núi Thành) sẽ tái được nghiên cứu, bắt đầu trong giai đoạn này, có thể đi vào hoạt động giai đoạn sau. Khối lượng vạch ra cho vùng Đông, không chỉ gói trong một hay hai nhiệm kỳ mà có tầm nhìn xa hơn, nhưng sẽ được cụ thể hóa cho từng giai đoạn.

Sự khác biệt vẫn dựa trên nền tảng kế thừa, nhưng bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp với đà phát triển hiện tại. Nhà nước sẽ đứng ra làm 2 việc lớn là quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt.

Quy hoạch trước kia chỉ để có quy hoạch triển khai dự án. Lần này sẽ làm lại quy hoạch chất lượng cao hơn, thu hút các nhà đầu tư mạnh, thương hiệu lớn. Chính quyền đồng hành, tạo cơ chế. Nhà đầu tư sẽ thực hiện hết. Vấn đề là phải tạo môi trường đầu tư tốt, phụ thuộc vào quy hoạch có đạt chuẩn, đạt đẳng cấp quốc tế hay không, có được các nhà đầu tư nhìn nhận, nhìn thấy có đem lại giá trị đầu tư cao hơn trong tương lai hay không.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HỒ QUANG BỬU: "HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ TRUNG TÂM CỦA CẢI CÁCH"

 

Không phải bây giờ Quảng Nam mới đưa ra kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư. Đã từng có các “sáng kiến” được cộng đồng doanh nghiệp cho điểm. Song vẫn chưa thể thu hút được nhiều dự án FDI, các tập đoàn có tiềm lực kinh tế.

Nỗ lực đột phá lần này sẽ thay đổi về lượng lẫn chất trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp, cải thiện các điều kiện về tiếp cận đất đai, thủ tục thu hồi đất, chuẩn bị tốt hạ tầng, quỹ đất, mặt bằng sạch. Sẽ thu hồi những dự án chậm triển khai, thiếu hiệu quả, tạo quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư mới, các dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Quyết tâm, sự khác biệt không chỉ thể hiện ở chính quyền tỉnh mà địa phương cấp dưới cũng phải đề ra kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số (PAPI, PCI…), thông qua sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền về cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cụ thể, rõ ràng, thực chất, không hình thức.

Không chỉ xóa bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp bằng cách thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số mà mọi thủ tục (từ quy hoạch, thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai…) sẽ được công khai trên môi trường mạng, tăng cường số lượng thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ cao, văn bản liên thông 4 cấp (từ Trung ương đến xã).

Egov-Quảng Nam, Smart Quảng Nam, tổng đài 1022 hay ứng dụng phản ánh hiện trường đã được thiết lập, kết nối chính quyền, cơ quan quản lý khi sẵn sàng tiếp nhận, trả lời mọi kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong cuộc cải cách. Có đủ dịch vụ hỗ trợ và tương tác bất cứ lúc nào.

Hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư và quản lý đầu tư bằng một quyết định mới cho tất cả dự án trên địa bàn sẽ là một trong những bước đệm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư tại địa phương trong tương lai. Những tổ công tác đặc biệt (từ kiểm tra hiện trường, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính…), sẵn sàng giúp doanh nghiệp vướng đâu gỡ đó.

Bản đồ số phục vụ thu hút đầu tư đang được xây dựng. Chỉ cần truy cập vào đó, nhà đầu tư có thể biết ngay dự án Quảng Nam đang cần có phù hợp với mình không để có thể đề xuất, lập hồ sơ… Không chỉ nâng chất lượng tiếp doanh nghiệp mà việc giải quyết các kết luận, tháo gỡ vướng mắc cho từng doanh nghiệp sẽ đo lường trách nhiệm thực thi của công bộc bằng một phần mềm quản lý.

Kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phụ thuộc vào việc thực hiện đồng bộ về phát triển kết cấu hạ tầng, nhân lực, cải cách hành chính, hiệu quả Nhà nước từ “quản lý” sang “phục vụ”. Lợi thế địa phương rõ ràng, cụ thể từ các cuộc cải cách (kể cả hạ tầng), sợ gì không thu hút được nhà đầu tư trong tương lai.

ÔNG NGUYỄN QUANG THỬ - GIÁM ĐỐC SỞ KH&ĐT: "ƯU TIÊN NHỮNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CHIẾN LƯỢC, LIÊN KẾT VÙNG"

 

Tỉnh ủy đã xác định sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trên tất cả ngành, lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị liên vùng, giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng hiện tại.

Thực hiện các dự án nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang. Xây dựng các công trình cầu vượt sông, vượt đường sắt, vượt quốc lộ 1. Nâng cấp hệ thống cảng biển, sân bay Chu Lai, các khu công nghiệp (gắn dịch vụ vận tải, hậu cần cảng, logistics).

Phát triển, khớp nối các tuyến đông - tây (đường ven biển với quốc lộ 1 và cao tốc), để thuận lợi hơn trong phát triển vùng phía tây gắn với cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến - sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại - du lịch văn hóa - cộng đồng.

Đầu tư hạ tầng, hoàn thành sắp xếp dân cư, ổn định sinh kế gắn xây dựng nông thôn mới. Nâng cấp, mở rộng các trường đạt chuẩn và mua sắm trang thiết bị y tế chuyên sâu, thực hiện các chương trình văn hóa xã hội, xóa nhà tạm, hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng. Nâng chất lượng các đô thị hiện có. Mở rộng không gian phát triển đô thị (những nơi có điều kiện)…

Nhu cầu đầu tư rất lớn. Trước tiên khắc phục hậu quả nặng nề thiên tai, hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm đang triển khai, đưa vào sử dụng. Đột phá hạ tầng về đầu tư công trong nguồn lực hạn hẹp, sẽ gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn 2030 theo tư duy về kết nối liên vùng giữa Quảng Nam và các tỉnh thành khu vực.

Sẽ chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển, tạo đột phá, khả năng hấp thụ, cộng hưởng của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng. Sẽ phân bổ đầu tư công hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường; sẽ ưu tiên cho các dự án đầu tư giao thông kết nối cảng biển, hàng không, kết nối các vùng kinh tế năng động, kết nối đông - tây; sẽ ưu tiên đầu tư, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải và cung cấp nước sạch cho người dân.

Đầu tư công sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng; đồng thời phân cấp quản lý để tạo quyền cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực đầu tư. Kiểm soát, thẩm định chặt cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư từng dự án và sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo đúng chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong 5 năm đến, phấn đấu huy động hơn 220.000 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội để hiện thực khát vọng đột phá này.

Cảng biển sẽ khai thông và các khu đô thị sẽ mọc lên dọc sông, ven biển. Ảnh: T.D
Cảng biển sẽ khai thông và các khu đô thị sẽ mọc lên dọc sông, ven biển. Ảnh: T.D

ÔNG ĐẶNG PHONG - GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH: "SẼ ĐỦ NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ"

 

Kinh nghiệm 24 năm qua cho thấy Quảng Nam từ một tỉnh nghèo, phát triển như hiện tại không phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà cốt lõi dựa vào toàn xã hội. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.

Thu ngân sách cố gắng đạt mức cao nhất có thể để đạt bình quân tăng thu nội địa 10%/năm cho kế hoạch 5 năm. Kế hoạch phát triển hạ tầng tốn rất nhiều tiền, nhưng Quảng Nam sẽ đủ nguồn lực đầu tư để hiện thực hóa. Ngay như 5 tháng đầu năm đã thu tăng đến 57% dự toán nội địa, tăng 60% so năm ngoái (9.166 tỷ đồng).

Ngân sách nhà nước thực hiện với tư cách dẫn dắt, kéo theo sự phát triển của các nguồn lực từ bên ngoài. Nguồn lực này chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng then chốt, mang tính kết nối. Một đồng vốn nhà nước bỏ ra sẽ ít nhất đem lại 10 đồng vốn từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác sản xuất, kinh doanh. Khu vực tư này có thể bỏ tiền ra đầu tư hệ thống luồng cảng, bến cảng, sân bay, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Chính quyền sẽ tạo cơ chế đồng hành, tạo ra quy hoạch chất lượng để tăng giá trị đầu tư, thu hút nguồn lực doanh nghiệp.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ không giống như mấy năm trước. Sẽ dành nguồn lực lớn và đổ vào khu vực năng động – những khu vực có thể đem lại lợi ích thực chất (như vùng đông). Ưu tiên phát triển các tuyến giao thông qua các địa phương, hoàn thiện tuyến kết nối đông – tây, sử dụng nguồn lực của trung ương hỗ trợ (đã thống nhất), hoàn thiện đường 129 nối Dung Quất (Quảng Ngãi).

Nếu nguồn trung ương không đủ sẽ có vốn vay từ các ngân hàng WB, ADB (đã đàm phán và sẽ ký kết). Hạn mức được vay 30%/tổng thu nội địa. Nghĩa là sẽ có ít nhất 6.000 tỷ đồng hay 7.000 tỷ đồng bất cứ lúc nào cũng vay được. Quan trọng là số vốn này sẽ trả dần trong 20 năm, ân hạn 5 năm.

Ngoài vốn ngân sách một phần, còn lại xã hội hóa từ các dự án bất động sản (các tuyến giao thông kết nối, giao thông nội vùng dự án sẽ do doanh nghiệp đầu tư với khoảng 150 dự án). Vốn sẽ dành cho kết nối giao thông liên vùng, mở rộng hệ thống trung tâm huyện lỵ. Mạng lưới y tế, trường lớp học sẽ hướng đến hoàn thiện chuẩn quốc gia, không bỏ vốn đầu tư dàn trải.

Khi dịch Covid vãn hồi, sẽ tính toán khai thác nguồn thu từ các dự án du lịch, dịch vụ (cả mấy nghìn tỷ đồng/năm), khu vực vùng Đông sẽ gia tăng không dưới 20 doanh nghiệp FDI, khi hoạt động sẽ cho tăng trưởng nguồn thu. Việc đổi mới quản lý sử dụng đất sẽ cho nguồn thu từ đất gấp đôi mấy năm trước. Quảng Nam đủ lực có thể thực hiện hạ tầng đồng bộ, từ nguồn thu ngân sách địa phương, đầu tư của doanh nghiệp và từ nguồn quốc tế.

ÔNG NGÔ NGỌC HÙNG - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG: "CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH SẼ ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU"

 

Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông đóng vai trò là công cụ điều phối, kiểm soát quá trình phát triển đô thị, nông thôn toàn vùng. Song, sự thay đổi hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, thay đổi định hướng phát triển và sự hình thành các công trình, dự án trọng điểm… khiến nhiều chỉ tiêu, định hướng theo quy hoạch đã phê duyệt không còn phù hợp thực tế hiện nay. Một quy hoạch điều chỉnh đang được tiến hành với giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định xây dựng vùng Đông thành một khu vực quan trọng.

Định hướng phát triển không gian đô thị ven biển cần phải bắt đầu bằng chiến lược bảo vệ đất đai, môi trường với tầm nhìn hàng trăm năm để phát triển không gian lãnh thổ ổn định lâu dài. Các dự án đầu tư cần được chọn lọc. Tránh các dự án chia cắt dải đất ven biển, cản trở quyền tiếp cận biển của cộng đồng, bảo đảm quyền lợi kinh tế và bản sắc địa phương. Bảo tồn các dòng sông, mặt nước, làm yếu tố chủ đạo để tổ chức không gian…

Phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch và bước đi cụ thể. Tránh cục bộ, thiếu tính liên kết, thiếu tích hợp đa ngành. Lựa chọn mô hình phát triển hợp lý theo quan điểm và tầm nhìn phù hợp với từng loại đô thị và khả năng tài chính. Cơ sở hạ tầng đảm bảo xây dựng đồng bộ và đi trước một bước để hình thành bộ khung làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư.

Tăng cường liên kết đô thị và nông thôn: Tổ chức rà soát các quy hoạch nông thôn mới, lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đảm bảo tính tầng bậc, không dàn trải, đầu tư có trọng tâm trọng điểm (tập trung vào một số khu vực thị tứ, trung tâm cụm xã...).

Định hình bản sắc cho các đô thị động lực, tránh xây dựng đô thị nén, quá tải không gian đô thị. Hệ thống hạ tầng khung sẽ quy hoạch xây dựng các trục giao thông kết nối đô thị nhỏ với đô thị động lực, mở thêm các tuyến vành đai kết nối các đô thị trong từng cụm để tạo liên kết nhanh, giảm thời gian đi lại giữa các đô thị.

Phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế. Chuyển mô hình xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật theo từng đơn vị hành chính sang sử dụng liên vùng, liên đô thị như cấp nước, nghĩa trang, nhà máy xử lý nước, rác thải… Đánh giá tác động môi trường ngay giai đoạn lập, thực hiện quy hoạch, đề xuất các giải pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước…

Sở Xây dựng đang thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến về quy hoạch. Khi được phê duyệt, sẽ tổ chức mời tư vấn. Khi chọn được tư vấn, ít nhất 12 tháng sau sẽ đề xuất phương án quy hoạch. Sẽ mở hội thảo, tổ chức phản biện đồ án quy hoạch và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trình thẩm định...

TRỊNH DŨNG (thực hiện)