Cảnh giác với sứa khi tắm biển

CHÂU NỮ 17/06/2021 07:10

Ở các vùng biển của Quảng Nam, sứa lửa (sứa gây ngứa, khác với sứa dùng làm thực phẩm) thường xuất hiện cao điểm trong mùa nắng nóng, từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Đây cũng là thời điểm mùa du lịch biển và nhu cầu tắm biển của người dân tăng cao. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu và người có kinh nghiệm đi biển khuyến cáo người tắm biển nên cẩn trọng với sứa lửa, cần biết cách phòng tránh sứa “cắn” để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là làn da.

Tắm biển vào mùa hè cần đề phòng sứa lửa “cắn”. Ảnh: C.N
Tắm biển vào mùa hè cần đề phòng sứa lửa “cắn”. Ảnh: C.N

Gần một tháng qua, sứa lửa xuất hiện khá nhiều tại hầu khắp các vùng biển ở Quảng Nam, khiến người tắm biển bị ngứa ngáy rất khó chịu. Nhiều người vừa bước chân xuống biển, chưa kịp ngụp lặn đã bị sưa “cắn”. Có người cố gắng chịu đựng vừa gãi vừa… tắm tiếp; có người không chịu được phải lên bờ ngay.

Chị Nguyễn Thị T., một người thường xuyên đi tắm biển Tam Thanh (Tam Kỳ) vào buổi sáng, cho biết mùa tắm biển năm nay chị đã bị sứa “cắn” 4 - 5 lần và lần nào cũng phải bỏ dở việc tắm biển, ra về với làn da nổi đầy mẩn đỏ. Không riêng người có làn da tương đối nhạy cảm như chị T., rất nhiều người khác cũng xuất hiện tình trạng da bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó chịu tương tự.

Một nhân viên đội cứu hộ ở biển Tam Thanh khuyên, khi đi tắm biển, tốt nhất nên “né” thật xa nếu phát hiện sứa lửa, tránh để chất nhờn của sứa tiếp xúc với da. Đặc biệt là không nên dùng tay bắt sứa. Nhiều người mới đi biển lần đầu, không biết sự nguy hiểm khi bị sứa “cắn” đã bắt hoặc chơi đùa với sứa.

“Cách đây vài năm tại biển Tam Thanh có trường hợp 2 khách tắm biển không nhận biết thế nào là sứa độc, đã đùa giỡn bằng cách bắt sứa ném qua ném lại, hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cách điều trị sứa biển “cắn” cấp thời theo phương pháp dân gian là lấy cát xoa nhẹ vào vùng da bị ngứa. Trường hợp bị nhẹ, sẽ hết ngứa sau một thời gian ngắn. Đối với trường hợp bị nặng, nhất là bị chất nhờn của sứa bắn vào mắt, phải kịp thời đi bác sĩ chữa trị” - nhân viên cứu hộ biển Tam Thanh nói.

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, xúc tu của sứa có chứa chất độc có khả năng gây dị ứng da. Nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, dân gian quen gọi là bị sứa “cắn”. Người bị sứa “cắn” ở mức độ nhẹ, thường chỉ cảm thấy rát ngứa, nổi mẩn đỏ ở da và chỉ cần chăm sóc tại chỗ; trường hợp nặng có thể bị đau đầu, chóng mặt…, cần phải đến bệnh viện khám và điều trị.

Cách xử lý khi bị sứa “cắn” là rửa “vết thương” bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc; có thể dùng cồn hoặc soda. Ngoài ra, có thể chườm mát các vị trí tổn thương, nhưng không nên sử dụng nước ngọt để rửa vì sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa. Nếu bị sứa “cắn” nặng hơn, có thể uống thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và bôi kem có chứa corticoid.

“Để phòng tránh việc bị sứa “cắn” khi tắm biển, người dân không nên tắm ở những vùng nước có sứa xuất hiện; khi xuống tắm biển nếu thấy cơ thể bị ngứa cần lên bờ ngay để kiểm tra xem có phải do sứa “cắn” hay không để có biện pháp xử lý kịp thời” - một bác sĩ da liễu khuyến cáo.

CHÂU NỮ