10 điều cần làm khi bị ngộ độc thực phẩm

V. THU (Theo vov.vn) 16/06/2021 22:24

(QNO) - Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rất dễ gặp phải vào mùa hè nóng nực. Dưới đây là những điều bạn cần làm khi bị ngộ độc do thức ăn.

 

Để cơ thể tự chống chọi: Nhiều chuyên gia y tế đã đồng ý rằng cách tốt nhất để đối phó với cơn ngộ độc thực phẩm là để cơ thể tự chống chọi. Các triệu chứng như nôn mửa hay tiêu chảy chính là cách mà cơ thể bạn đào thải các độc tố và vi sinh vật gây ngộ độc.

 

Dùng thuốc kháng sinh: Tùy vào nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm mà bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh hoặc kháng virus cho bạn. Thường thì việc dùng thuốc chỉ cần thiết trong những ca nặng, khi cơ thể phải chống lại một dạng virus hoặc vi khuẩn mạnh hay khi miễn dịch cơ thể yếu.

 

Hạn chế ăn uống: Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên tránh ăn uống, hoặc chỉ ăn các thức ăn nhạt để chống đói. Việc này thực ra không quá khó vì khi bị ngộ độc, chỉ nghĩ đến việc ăn uống thôi đã đủ khiến bạn thấy buồn nôn.

 

Uống đủ nước: Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như nôn mửa và tiêu chảy có thể gây mất nước nghiêm trọng. Bên cạnh mất nước, cơ thể cũng bị thiếu hụt một lượng chất điện giải và dưỡng chất lớn. Hãy uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không bị kiệt sức do mất nước.

 

Ăn dần lại khi các triệu chứng thuyên giảm: Khi đường tiêu hóa bắt đầu sạch sẽ trở lại, bạn có thể bắt đầu ăn uống với lượng nhỏ rồi tăng dần. Hãy bắt đầu với các thực phẩm nhạt và dễ tiêu như cháo hay bánh quy nhạt. Nếu cơn buồn nôn tái phát, hãy ngừng ăn và để đường ruột nghỉ ngơi trước khi thử lại.

 

Nghỉ ngơi đủ: Ngộ độc thức ăn có thể khiến cơ thể bị suy nhược. Cảm giác buồn nôn và đau bụng khiến bạn mất ngủ và việc nôn mửa liên tục khiến bạn kiệt sức. Những người bị ngộ độc thực phẩm thường cần nghỉ ngơi vài ngày để hồi sức.

 

Tránh các thực phẩm dễ gây kích ứng tiêu hóa: Sau những ngày đầu bị ngộ độc thực phẩm, kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm, người bệnh vẫn cần lưu ý không ăn uống những thực phẩm dễ gây kích ứng như đồ cay và đồ dầu mỡ, hay các thức uống như cà phê, trà, sữa và bia rượu.

 

Uống trà gừng: Gừng là một trong những bài thuốc làm dịu dạ dày tốt nhất. Sau khi những triệu chứng ngộ độc thực phẩm kinh khủng đã qua đi, việc uống trà gừng có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tái phát các triệu chứng đó.

 

Ăn sữa chua: Mặc dù các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng nặng các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, sữa chua lại là ngoại lệ. Các men vi sinh trong sữa chua tươi có thể giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột để chống lại các vi khuẩn gây hại.

 

Khi nào cần đến bác sĩ: Hầu hết các ca ngộ độc thực phẩm thường không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi nếu bạn tuân thủ các quy tắc nói trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các độc tố trong thức ăn có thể gây tổn thương nặng và lâu dài hơn. Nếu bạn gặp các triệu chứng như đau bụng dữ dôi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, sốt cao trên 40 độ, mờ mắt và tê chân tay, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

V. THU (Theo vov.vn)