Ì ạch giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

TRỊNH DŨNG 15/06/2021 06:40

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và ưu đãi nước ngoài đến tháng 6.2021 chỉ đạt 7,53% dự toán. Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện kế hoạch giải ngân. Đó là thống kê được công bố tại phiên họp trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính tổ chức sáng qua 14.6.

Dự án chống xói lở bờ biển Hội An chỉ mới bắt đầu khởi động chờ phê duyệt báo cáo khả thi. Ảnh: T.D
Dự án chống xói lở bờ biển Hội An chỉ mới bắt đầu khởi động chờ phê duyệt báo cáo khả thi. Ảnh: T.D

Theo báo cáo tại hội nghị, có 8/13 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài. Tính đến ngày 10.6.2021, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành mới đạt 7,53% dự toán giao. Bộ Tài chính chỉ nhận và xử lý 129 công văn đề nghị rút vốn.

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng dự toán vốn nước ngoài được giao cho các bộ, ngành khoảng gần 16.637 tỷ đồng. Tính đến ngày 31.5.2021, tỷ lệ nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) chỉ đạt 72,55% (12.069,87 tỷ đồng).

Theo ông Trương Hùng Long nói, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án. Cụ thể, nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn.

Dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán. Dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở.

Không chỉ vậy, nhiều dự án vướng mắc trong khâu đấu thầu, chưa phê duyệt hợp đồng, vướng mắc với tổng thầu, vướng với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai.

Dự án có khối lượng hoàn thành nhưng do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu nên chưa thể hoàn thành được các chứng từ để thực hiện các thủ tục để rút vốn, hoặc đã có khối lượng, nhưng hồ sơ nghiệm thu khối lượng còn chưa thống nhất, còn phải rà soát, chậm hoàn chứng từ về tài khoản đặc biệt...

Một nguyên nhân khác phải kể đến là các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn nước ngoài khi có những điều chỉnh về chủ trương đầu tư, về hiệp định vay, về tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ… thì thủ tục đều phức tạp hơn các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trong nước khá nhiều.

Không như tỷ lệ nhập vào hệ thống TABMIS đã công bố, báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư do Giám đốc Nguyễn Quang Thử ký cho biết, Quảng Nam đã phân khai và nhập dự toán trên TABMIS đến ngày 31.5.2021 đạt tỷ lệ 100% vốn nước ngoài trung ương giao. Trong đó ngân sách trung ương cấp phát 569,470 tỷ đồng, tỉnh vay lại 851,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đã nhập 100% vốn ngân sách trung ương cấp phát vào hệ thống TABMIS theo hình thức ghi thu - ghi chi.

Song, Quảng Nam cũng không là ngoại lệ khi vẫn trì trệ trong việc giải ngân. Thống kê cho thấy, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2021 theo đơn rút vốn đã gửi Bộ Tài chính giải ngân đến ngày 31.5.2021 là 36,71 tỷ đồng, đạt 2,6% số kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2021 được phân khai và nhập TABMIS. Trong đó, vốn ngân sách trung ương cấp phát 32,931 tỷ đồng, đạt 5,9% và vốn tỉnh vay lại 3,778 tỷ đồng, đạt 0,4%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện có đến 8 dự án vay vốn nước ngoài đang gặp trắc trở, giải ngân không như kỳ vọng. Dự án Liên kết vùng miền Trung (vay vốn Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc EDCF), Cải thiện môi trường Chu Lai - Núi Thành (Ngân hàng tái thiết Đức KFW) vẫn chỉ đang triển khai các thủ tục thực hiện đấu thầu các gói thầu dự án.

Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An (Cơ quan phát triển Pháp) đang trong giai đoạn chờ nhà tài trợ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Hồ chứa nước Lộc Đại, Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Trà My vướng bồi thường, di dân, giải phóng mặt bằng.

Dự án nâng cao năng lực ngành y tế (Chính phủ Italia) gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện thẩm định giá và cơ quan thẩm định dự toán. Một số dự án đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán và thanh toán kế hoạch vốn.

Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, không loại trừ nguyên nhân dịch Covid-19 đã khiến các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng tiến trình triển khai dự án. Vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ… Song, theo ông Hà, nguyên nhân chính, trực tiếp vẫn là sự chủ quan của các chủ dự án.

“Không còn cách nào khác, vẫn phải hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng… Các ban quản lý dự án kiểm tra, giám sát, có khó khăn, vướng mắc thì liên hệ với các bộ, ngành giải quyết kịp thời” - ông Hà nói.

TRỊNH DŨNG