Thoát nghèo từ vốn vay cho vùng bảo tồn rạn san hô Tam Hải

ĐÔNG YÊN 12/06/2021 16:29

(QNO) – Từ nguồn vốn vay dành cho phụ nữ ở khu vực bảo tồn rạn san hô Tam Hải (Núi Thành) do Hội LHPN huyện Núi Thành triển khai, nhiều chị em ở Tam Hải có được sinh kế, thu nhập bền vững hơn.

Nhiều phụ nữ thôn Thuận An có được sinh kế bền vững từ vốn vay dành cho hội viên khu vực bảo tồn rạn san hô Tam Hải. Ảnh: Đ.Y
Nhiều phụ nữ thôn Thuận An có được sinh kế bền vững từ vốn vay dành cho hội viên khu vực bảo tồn rạn san hô Tam Hải. Ảnh: Đ.Y

Làm nghề bán hải sản nhưng do không có vốn nên bà Lê Thị Lời (thôn Thuận An, Tam Hải) chỉ buôn mớ bán bưng cho những người quen trong xã, không thể mở rộng thêm thị trường bên ngoài. Nhận thấy, cách làm ăn nhỏ lẻ này không mang lại thu nhập ổn định, năm 2019, bà Lời vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho phụ nữ ở khu vực bảo tồn rạn san hô.

Có được vốn, bà Lời thay đổi cách thức buôn bán và phát triển thị trường. Bà thu mua của nhiều hộ khai thác nhiều loại thủy hải sản tươi sống bán lại. Bên cạnh bán hàng tại nhà, bà Lời cũng tìm cách bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo... Nhờ vậy nguồn hàng của bà Lời đã được nhiều người biết đến và đặt mua, thị trường dần mở rộng ra Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh... Trừ các chi phí, mỗi ngày bà Lời có được thu nhập khoảng 400 ngàn đồng.

Theo bà Phạm Thị Vang - Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm Tổ trưởng tổ quản lý nguồn vốn vay thôn Thuận An, nguồn vốn này rất hữu ích cho chị em có điều kiện kinh tế khó khăn trên địa bàn thôn. Có được nguồn vốn, nhiều hộ đã đầu tư chuyển đổi ngành nghề, phát triển các mô hình kinh tế nên kinh tế của nhiều chị em thay đổi và khá lên rõ rệt.

“Qua theo dõi, thời gian qua nhiều hộ đã thực sự phát huy được hiệu quả sử dụng vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ của người vay đều đặn trả lãi, gốc hằng tháng đúng quy chế đề ra, nhờ vậy mà nguồn vốn luôn được duy trì ổn định, không thất thoát” – bà Vang cho biết.

Thời gian đến, với vai trò quản lý nguồn vốn vay, Hội LHPN xã Tam Hải sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn. Kết hợp thường xuyên việc tuyên truyền cho hội viên về cách thức làm ăn, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với từng đối tượng và thời điểm, biết áp dụng các điều kiện thuận lợi vào công việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán.

"Hội hỗ trợ mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, kết nối được các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến các vùng miền để tạo đầu ra cho các sản phẩm hải sản do hội viên làm ra" - bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Hải cho biết.

Nguồn vốn vay dành cho phụ nữ ở khu vực bảo tồn rạn san hô Tam Hải được Hội LHPN huyện Núi Thành điều hành, duy trì từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn dùng để mua sắm vật tư, ngư lưới cụ phù hợp với sinh kế cho hội viên. Tổng nguồn vốn là 160 triệu đồng cho 16 hộ vay. Đầu mỗi năm, hội sẽ tổ chức bình xét cho vay để phụ nữ tiếp cận nguồn vốn theo hình thức xoay vòng giải quyết khó khăn và chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

ĐÔNG YÊN