Điện Bàn đột phá từ chuyển đổi số

VĨNH LỘC 11/06/2021 05:29

Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng mà thị xã Điện Bàn đang phấn đấu thực hiện trong 5 năm tới.

Việc chuyển đổi số trong quản lý điều hành sẽ giúp Điện Bàn sớm hiện thực mục tiêu về đô thị thông minh vào năm 2030.
Việc chuyển đổi số trong quản lý điều hành sẽ giúp Điện Bàn sớm hiện thực mục tiêu về đô thị thông minh vào năm 2030.

Ứng dụng ở nhiều lĩnh vực

Ngày 15.6 này, Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn sẽ tổ chức tập huấn cho hơn 1.000 lượt giáo viên về sách giáo khoa mới chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022, tất cả được thực hiện trực tuyến. Từ năm 2018, các hoạt động tập huấn online đã được phòng triển khai thường xuyên, nhất là trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Ông Trương Công Nên – Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, ngoài dạy và học online, công tác quản lý hồ sơ, bằng cấp cũng đang dần chuyển qua số hóa - điều mà vài năm trước chưa được tính tới.

“Đây vừa là xu hướng nhưng cũng là nhu cầu cấp thiết trong quản lý và điều hành của ngành giáo dục, góp phần xây dựng giáo dục thông minh thời gian đến” - ông Nên nói. Năm học 2020 – 2021, Phòng GD-ĐT Điện Bàn được UBND thị xã tuyên dương về chuyển đổi số thành công trong công tác quản lý, dạy và học.

Hiện tại, hầu hết ngành, lĩnh vực ở thị xã Điện Bàn đã và đang triển khai thực hiện chuyển đổi số ở những cấp độ khác nhau như quản lý đất đai, y tế, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, an ninh trật tự; giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, nông sản sạch…

Đặc biệt, nhằm tạo sự thống nhất xuyên suốt, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã giao Phòng VH-TT xây dựng đề án “Chuyển đổi số thị xã Điện Bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số sẽ diễn ra đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thị xã.

Đây được xem là đề án quan trọng trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ mới. Trọng tâm là xây dựng chính quyền số, bắt đầu từ cấp xã.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn, để hiện thực mục tiêu này, thời gian qua ngoài ban hành khung tiêu chí đánh giá chỉ số chuyển đổi số các cơ quan, địa phương, thị xã cũng đã triển khai đầu tư các ứng dụng chính quyền điện tử giúp điều hành, quản lý và kết nối với người dân, doanh nghiệp như nâng cấp cổng thông tin điện tử thị xã và trang thông tin của 20 xã, phường; triển khai phòng họp không giấy E-cabinet; nâng cấp hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối với một số ngành, đơn vị, ban quản lý khu, cụm công nghiệp; triển khai thẻ công chức điện tử, hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức; xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp điện tử”, “Khu dân cư điện tử”, “Khu dân cư số” tại các thôn, khối phố; quán triệt 100% cán bộ cấp xã thực hiện xử lý văn bản trên phần mềm q-office và email công vụ… Kết quả mang lại khá tích cực.

Xu hướng của tương lai    

Có thể khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay của nhiều địa phương và Điện Bàn không ngoại lệ. Đây cũng là nội dung bao trùm trong 3 nhiệm vụ đột phá mà Điện Bàn đã đăng ký với UBND tỉnh năm 2021 và đang xúc tiến triển khai.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, hiện đề án “Chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh” đã trình UBND thị xã và đang chờ trình HĐND trong kỳ họp gần nhất. Dự toán, tổng kinh phí đề án khoảng 109 tỷ đồng, thời gian thực hiện 5 năm.

“Sắp tới, thị xã sẽ ban hành bộ tiêu chí riêng để đánh giá việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử trên địa bàn. Song hành với đó sẽ tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư máy móc thiết bị, hình thành các điểm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ, giúp người dân đến nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng” - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, thị xã cũng sẽ chọn một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư chuyển đổi số như đất đai môi trường; chủ yếu đầu tư công nghệ thông tin phần mềm để hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết nhanh các hồ sơ đất đai cho công dân và doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi năm Điện Bàn có hơn 10 nghìn bộ hồ sơ đất đai cần được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong định hướng xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 thì việc chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên để triển khai đồng bộ hiệu quả lại là quá trình lâu dài và tuân thủ lộ trình. “Trước tiên phải có nguồn lực vì đầu tư lớn, nhất là hạ tầng công nghệ nên đề án phải chờ HĐND thông qua” - ông Hà chia sẻ.

Thời gian này, Điện Bàn vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp mềm như tập huấn, truyền thông; áp dụng các phần mềm giao việc, nhắc việc…, dự kiến đến đầu tháng 7.2021, một số lĩnh vực sẽ không nhận hồ sơ giấy mà chỉ nhận hồ sơ qua mạng.

VĨNH LỘC