Đề xuất "nới lỏng" chính sách thu hồi đất

HỮU PHÚC 11/06/2021 04:41

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ (BT-HT), giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất. Điểm đáng chú ý, các ý kiến mong muốn điều chỉnh theo hướng “cởi trói” chính sách theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất và xây dựng lại giá đất sát thực tiễn hơn.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu góp ý về dự thảo quy định chinh sách bồi thường. Ảnh: H.P
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu góp ý về dự thảo quy định chinh sách bồi thường. Ảnh: H.P

Phản biện sôi nổi

Cuộc họp đã thu hút sự tham gia của hầu hết các sở, ngành liên quan, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, chủ đầu tư các dự án trọng điểm, các đơn vị làm công tác BT-HT, GPMB và đại diện UBND thị xã Điện Bàn, Thăng Bình.

Dự thảo quy định BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh (Sở Tài nguyên - môi trường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo) có tổng cộng 5 chương, 61 điều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu thiết kế lại bố cục nội dung dự thảo một cách khoa học, dễ hiểu, dễ vận dụng; không nên trích dẫn nhiều điều, khoản của Luật Đất đai không phù hợp với văn bản dưới luật. Về cơ chế chính sách, hầu hết đều đề nghị xem xét nâng mức giá BT-HT cao hơn, chuẩn bị sẵn quỹ đất TĐC trước khi thu hồi đất.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đang gặp khó trong việc hoán đổi quỹ đất tái định cư (TĐC) giữa dự án do ngân sách nhà nước đầu tư và dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Thông thường tiến độ GPMB dự án đầu tư công rất chậm, trong khi các dự án đô thị do doanh nghiệp đầu tư thì triển khai rất nhanh.

“Giá BT thấp, không sát thực tế, chính sách BT-HT hiện không công bằng. Chẳng hạn như người chấp hành chủ trương thì lại thiệt thòi hơn người chây ỳ chậm nhận tiền BT-HT bàn giao mặt bằng, bất cập trong bố trí TĐC. Việc cơ quan dự thảo quy định diện tích đất TĐC không vượt quá diện tích đất thu hồi là không phù hợp” - ông Hiếu nói.

Là đơn vị làm chủ đầu tư nhiều dự án nông nghiệp, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam cho biết, vướng mắc lớn là thời gian thực hiện dự án (phê duyệt dự án, thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi, phê duyệt phương án BT-HT, TĐC, áp giá BT) đến khi chi trả tiền thì người dân không chịu nhận tiền do có sự chênh lệch giữa giá BT với giá thị trường. Một rào cản khác theo chủ đầu tư này là chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, dự thảo quy định cần bổ sung điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng cho phù hợp với thị trường do biến động giá cả.

Nhiều địa phương đề nghị bỏ nội dung sửa đổi “diện tích bố trí TĐC không vượt quá diện tích bị thu hồi”. Tuy nhiên, Sở TN-MT lập luận, nhiều trường hợp có diện tích đất ở bị thu hồi nhỏ nhưng có nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên thửa đất thu hồi nên được giao đất TĐC vượt quá nhiều lần diện tích đất thu hồi. Thêm vào đó, phát sinh tình trạng chuyển hộ khẩu về thường trú tại thửa đất thu hồi (chạy chính sách) để được bố trí TĐC.

Sở TN-MT cho rằng, chính sách BT-HT của tỉnh ở những giai đoạn trước 2017 đã quy định “diện tích bố trí TĐC không vượt quá diện tích bị thu hồi” nên đề nghị không thay đổi nội dung này là phù hợp.

Tháo gỡ kịp thời những bất cập

Ông Trần Hữu Quang - Trưởng phòng Nghiệp vụ 3 (Thanh tra tỉnh) cho rằng, phải thống nhất xác định đất ở đối với thửa đất ở có vườn ao theo quy định tại Điều 103, Luật Đất đai 2013, Điều 24 Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ nhằm tránh việc khiếu kiện, khiếu nại với nhiều cách áp dụng khác nhau của các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp như hiện nay. Đồng thời quy định cụ thể để xác định loại đất trong trường hợp thu hồi một phần thửa đất ở có vườn, ao mà chưa xác định cụ thể vị trí đất ở trong thửa đất.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra một dự án giao thông chậm giải phóng mặt bằng tại Núi Thành (ảnh chụp cuối tháng 4.2021). Ảnh: H.P
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra một dự án giao thông chậm giải phóng mặt bằng tại Núi Thành (ảnh chụp cuối tháng 4.2021). Ảnh: H.P

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy định BT-HT, TĐC, GPMB do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cuối tháng 5.2021, có một ý kiến đề xuất đáng quan tâm nhưng cơ quan soạn thảo quy định chưa đá động đến.

Đó là kiến nghị UBND tỉnh nên điều chỉnh lại nội dung quy định tại khoản 3, Điều 9 của dự thảo theo hướng, đối với thửa đất nông nghiệp bị thu hồi một phần, mà phần diện tích còn lại nằm ngoài vạch GPMB nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất nông nghiệp, thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất phi nông nghiệp và phải thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp người sử dụng đất có đơn đề nghị thu hồi thì Nhà nước thực hiện việc thu hồi theo quy định...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa biết khi nào Quốc hội mới sửa đổi Luật Đất đai. Quan điểm điều chỉnh của tỉnh lần này là gỡ ngay những bất cập từ thực tiễn phát sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở TN-MT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tổng hợp và giải trình cụ thể những nội dung tiếp thu và không tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, sớm trình UBND tỉnh ban hành quy định mới. Những bất cập trong thực tiễn từ chính sách BT-HT, GPMB, TĐC phải được điều chỉnh để người bị thu hồi đất không bị ảnh hưởng về quyền lợi, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

HỮU PHÚC