Rộn ràng chợ lá mùng 5
(QNO) - Ngay từ những ngày cuối tháng 4 (âm lịch), tại các chợ ở thành phố Tam Kỳ đã bày bán nhiều loại lá mùng 5, mang không khí ngày Tết Đoan ngọ đến sớm và rộn ràng hơn ngày thường.
Nhà ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ) nhưng từ 5 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Phụng đã có mặt tại chợ Tam Kỳ để chuẩn bị bán lá. Trải tạm tấm bạt nilong trên lề đường, bà Phụng bày ra gánh lá mùng 5. Hàng chục loại lá cây được bà cột sẵn theo từng bó, gọn gàng và đẹp mắt, cứ thế xếp thành một gian hàng đầy màu sắc và tỏa hương thơm ngát.
Theo kinh nghiệm nhiều năm bán lá mùng 5 của bà Phụng thì lá mùng 5 rất đa dạng, thường có các loại như chùm đường, vú sữa, đinh lăng, chè già, lá dâu, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân, thuốc cứu, lá chổi, cỏ cú, gốc sát… và rất nhiều thứ nữa. Mỗi một loại có một công dụng riêng nhưng đa số là cây thuốc nam nên có thể chữa một số bệnh và rất tốt cho sức khỏe người dùng.
“Từ ngày mùng 10.4 (âm lịch) tôi đã bắt đầu bán lá mùng 5. Ngoài việc đi thu mua của người dân ở tận Hội An thì tôi cũng tìm hái một vài loại lá đơn giản, có quanh nhà phơi khô từ trước, chờ đến dịp thì bán. Tôi cứ xếp sẵn các loại lá ra đó, rồi bán theo nhu cầu của người mua. Mỗi bó giá từ 3 – 10 nghìn đồng tùy loại. Đa số khách hàng đều mua mỗi thứ một ít, trộn chung với nhau để nấu cho thơm và đậm vị” – bà Phụng cho biết.
Không đa dạng về chủng loại và số lượng hàng cũng không nhiều bằng quầy bà Phụng nhưng quầy lá mùng 5 của bà Nguyễn Thị Lộc (quê ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ) thu hút rất nhiều người đến mua. Bà Lộc cho biết, vì đã bán hàng hơn 5 năm rồi nên có nhiều khách hàng quen. Cứ đến dịp là họ đặt mua. Không chỉ ở quầy hàng mà nhiều người còn tìm đến tận nhà bà để mua lá. Sở dĩ được ưa chuộng như vậy là do tất cả các loại lá đều tự tay bà tìm, cắt, rửa sạch và phơi khô ngay từ đầu tháng Giêng rồi cất cẩn thận cho đến nay thì phơi lại vài nắng rồi đem bán.
“Trước tôi bị đau xương khớp nhưng nhờ uống nước lá mùng 5 thường xuyên mà bây giờ đỡ hơn hẳn. Nhờ thế mà nay 70 tuổi rồi, tôi vẫn còn đi được nhiều nơi để hái lá, từ Núi Cấm (xã Tam Phú) đến xã Tam Anh, Hà Lam, Thăng Bình… Mỗi mùa lá mùng 5, tôi bán được hơn 100kg các loại, kiếm được hơn 10 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, giúp tôi trang trải thêm nhiều thứ” – bà Lộc chia sẻ.
Bà Phiên cho biết, ngày thường bà đi mua phế liệu. Vì tuổi cao, công việc lại nặng nhọc nên bà thu mua được rất ít, số tiền kiếm không đáng là bao. Đến dịp này, nghe có người cần phụ chặt, xếp lá mùng 5 nên bà xin làm thử. Công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mỗi ngày, bà Phiên kiếm được 150 nghìn đồng.
“Số tiền tuy không nhiều, nhưng công việc nhẹ nhàng hơn, tôi ngồi làm trong bóng mát, không phải đạp xe khắp nơi trong thời tiết nắng nóng như thế này. Tiếc là mỗi năm chỉ có được một tháng người ta cần mình phụ mua bán lá mùng 5. Xong đợt này, tôi lại tiếp tục nghề cũ rồi năm sau lại tiếp tục xin vào làm…” – bà Phiên bộc bạch.