Trẻ vào hè...
Rất khó để tìm kiếm những sân chơi đúng nghĩa vào mùa hè này cho trẻ em vì lo ngại dịch bệnh; trong khi đó, việc dạy trẻ các kỹ năng ứng phó vẫn còn bỏ ngỏ... Tín hiệu lạc quan là nhiều hoạt động “học mà chơi” được tổ chức ở một số địa phương, phần nào đã đáp ứng nhu cầu của trẻ em vào hè.
Học mà chơi
Thời điểm này, đã thấy tín hiệu sáng sủa từ những nhóm hoạt động nhỏ lẻ lẫn cá nhân cố gắng tổ chức sân chơi cho trẻ em tại các địa phương. Phạm Cẩm Vân là một cái tên quen của phụ huynh TP.Tam Kỳ. Luôn tìm tòi những phương pháp giáo dục mới, ưu tiên cho việc rèn luyện các kỹ năng cho trẻ, Vân đã mạnh dạn mở lớp học ở Trường Làng.
Như một trại hè giữa khu vườn rộng lớn, Trường Làng của Vân cho trẻ lấm lem bùn đất nhưng đầy ắp tiếng cười. Vân lựa chọn phương pháp giáo dục Stem để trẻ có cơ hội khám phá những điều mới lạ thông qua các dự án cũng như trải nghiệm.
Giáo dục Stem là cách tiếp cận “tích hợp”, “liên môn” để giảng dạy các khái niệm học thuật đi đôi với các bài học về thế giới thực vật, nơi trẻ em có thể ứng dụng kiến thức khoa học, công nghệ, chế tạo, toán học trong các hoạt động thực hành trên lớp để phát triển tư duy và kỹ năng.
Đến với Trường Làng, các em sẽ có được phương pháp học, trải nghiệm hoàn toàn mới với các nội dung thực hành kỹ năng sống: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm; tự tay sáng chế ra các sản phẩm từ gỗ, giấy, vải bột; khám phá những thí nghiệm khoa học kỳ thú, trải nghiệm lớp học làm bánh...
Các hoạt động này đặc biệt tạo sự hứng thú cho học sinh, các em không bị nhàm chán, đồng thời phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo trong quá trình học.
“Với các chủ đề khác nhau từ kỹ năng sinh tồn - thoát hiểm, rác và môi trường, đất và người Quảng Nam, con và thời đại số, chia sẻ yêu thương..., trẻ sẽ có cơ hội khám phá những điều mới lạ và được tự tay thực hiện những ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, trẻ được học các kỹ năng về làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp...” - Phạm Cẩm Vân nói.
Bắt đầu từ tháng 6 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 7, Trường Làng chính là nơi để những bạn nhỏ có thể chơi mà học.
Rèn kỹ năng
Toàn tỉnh hiện có 46 hồ bơi phục vụ phổ cập cho cộng đồng
Dù đã có dự thảo từ nhiều năm nay nhưng một đề án về phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em Quảng Nam hiện nay vẫn chưa được ban hành. Theo thống kê, Quảng Nam hiện có tổng cộng 46 hồ bơi phục vụ việc phổ cập bơi cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 13 hồ bơi là của Nhà nước, còn lại chủ yếu là của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng nhằm phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh doanh. Trong số 540 trường học trên toàn tỉnh thì mới chỉ có 22 hồ bơi, một con số quá khiêm tốn hiện nay. Số giáo viên có chuyên môn bơi lội hiện nay cũng khá ít so với nhu cầu.
Với trẻ em, lúc chơi cũng là lúc trẻ học được nhiều nhất. Đây cũng chính là quan điểm để khởi đầu nên những lớp học năng khiếu vừa học vừa chơi ở các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc TT-VH thị xã Điện Bàn cho biết, đơn vị yêu cầu các giáo viên, huấn luyện viên phải để trẻ được trải nghiệm và khám phá về năng lực của bản thân. Dù các hoạt động hè phải tạm ngừng để phòng chống dịch, nhưng tại nhà văn hóa ở các xã, phường vẫn dành ra không gian để các em vui chơi tại cơ sở.
Tại TP.Tam Kỳ, mùa hè năm nay tuy không rình rang với các hoạt động sự kiện, nhưng các lớp năng khiếu hè vẫn được tổ chức. Trong đó, Nhà văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ vẫn đang duy trì các lớp năng khiếu như mỹ thuật, múa, nhảy dance sport, bóng rổ, bóng đá.
Dù số lượng học viên mùa hè này giảm hơn so với năm trước, nhưng không vì thế mà nhà văn hóa thiếu nhi giảm đi số lượng các lớp học.
Tuy nhiên, tình trang trẻ em không được trang bị các kỹ năng để tránh xảy ra thương tích trong cuộc sống hằng ngày vẫn chưa được cải thiện. Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay trẻ em tại Quảng Nam còn yếu là các kỹ năng ứng phó với từng tình huống khác nhau.
Theo đó, tình hình tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện games, điện tử, trẻ em truy cập các trang mạng internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh vẫn còn xảy ra. Các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, một số địa phương chưa quan tâm quy hoạch, bố trí đất để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho Ban Bảo vệ trẻ em các cấp, cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ quân dân chính thôn, gia đình và trẻ em.
Đồng thời, đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Và thường xuyên rà soát, kiểm tra, bổ sung các biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em” - bà Ngọc nói.