Việt Nam là cỗ máy doanh thu lớn nhất Đông Nam Á của Facebook
(QNO) - Facebook tìm cách tiếp cận tăng trưởng mới tại khu vực nông thôn Việt Nam khi mảng kinh doanh quảng cáo trở nên khó khăn hơn trước.
Theo Facebook, khu vực nông thôn Việt Nam đang thích ứng nhanh chóng với smartphone, đặc biệt là tính năng chat, gọi video. Trả lời báo Nikkei (Nhật Bản), mạng xã hội cho biết Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu thế giới về sử dụng chat trong bán hàng trực tuyến, xét theo khối lượng tin nhắn trao đổi giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Ông Khoi Le, phụ trách kinh doanh Facebook tại Việt Nam, tiết lộ nhiều đồng nghiệp của ông tại Mỹ đã được “mở mang tầm mắt” trước xu hướng này. Hiện tại, Việt Nam là thị trường vô cùng quan trọng đối với Facebook. Theo Nikkei, trong báo cáo tài chính nộp tháng 1 năm nay, Facebook liệt kê Việt Nam là cỗ máy doanh thu lớn nhất Đông Nam Á. Trên toàn cầu, gần như mọi nguồn thu của công ty đều đến từ quảng cáo.
Ông Le cho biết thị trường nông thông là một phần trong giai đoạn tiếp theo của Facebook. Trong số 98 triệu người Việt Nam, 62 triệu đang sống tại các vùng quê. Dù vậy, chi tiêu của họ dự kiến tăng nhanh hơn so với người thành thị. Facebook dự báo chi tiêu tại khu vực nông thôn đối với các mặt hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng 7%/năm từ năm 2020 tới 2025 so với 2% tại thành phố.
Dẫn khảo sát của công ty GroupM trên 4.500 người Việt Nam đang sống tại nông thôn, Facebook chỉ ra, nếu như năm 2018, tivi vẫn là phương tiện truyền thông chính của họ thì năm 2020, tỉ lệ xem tivi rơi xuống 86% còn tỉ lệ sử dụng Internet đạt 91%.
Ông Le từng có suy nghĩ người dân nông thôn không thực sự thạo Internet. Tuy nhiên, khảo sát của Facebook cho thấy 92% hộ gia đình này sở hữu smartphone, dùng nó để chơi game, mua sắm và xem truyền hình. “Họ dùng mọi công cụ trong tay vô cùng thành thục”, ông Le chia sẻ.
Do thói quen video của người dùng Việt Nam thay đổi, Facebook xác định một vài lĩnh vực trọng tâm, bao gồm phát sóng trực tiếp (livestream), xem chương trình truyền hình trên Facebook Watch, video trên Bảng tin, video đăng lại từ Instagram, video tự hủy.
Với thương mại điện tử, các tùy chọn này sẽ bổ sung cho tính năng trò chuyện của Facebook, từ chatbot tới cho phép người bán hàng trả lời trực tiếp câu hỏi qua livestream. Công ty hi vọng nó sẽ giúp các nhà bán lẻ giữ kết nối với người dùng, đặc biệt sau khi chính sách của Apple có hiệu lực từ tháng 4, yêu cầu chủ nhân iPhone phải cho phép ứng dụng theo dõi họ. Thay đổi trong chính sách của Apple đồng nghĩa với các công ty đang mua quảng cáo của Google hay Facebook sẽ có gửi quảng cáo mục tiêu trúng đích hơn.
Theo Phuc Ngo, Giám đốc Kế hoạch chiến lược tại hãng tiếp thị Vero, các nhà quảng cáo vẫn đang tìm cách thích ứng với chính sách theo dõi nghiêm ngặt của Apple. Các quảng cáo tùy chỉnh hiện có hiệu quả cao nhất, trong khi hình thức “thương mại cộng đồng” như Facebook đang chào hàng mới đóng vai trò nhỏ trong các chiến dịch mà ông quản lý. Ông Ngo cho hay trước khi có thay đổi chính sách, bạn hoàn toàn có thể phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo của Facebook (AI) vì nó rất thông minh.
Tập trung vào video sẽ đưa Facebook đến gần hơn với các đối thủ như YouTube, TikTok. Ngược lại, TikTok cũng dè chừng Facebook và YouTube. Khảo sát của hãng nghiên cứu Decision Lab cho biết Facebook là lựa chọn hàng đầu của người dùng Việt Nam khi xem video ngắn, song nó đã mất 3% trong quý I so với một năm trước, trong khi TikTok tăng gấp đôi thị phần.
Dù ông Le nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử trong việc giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng nông thôn, chi phí vẫn là một trở ngại. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2020 của Bộ Công thương, ước tính chi phí logistics theo GDP là 16,8%, tương đương giá trị khoảng 42 tỷ USD, cao hơn mặt bằng chung của châu Á. Vì vậy, doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm cho người dân nông thôn nhưng bán được hàng cho họ hay không lại là một chuyện khác.