Nhặt rác khi tắm biển
Từ nhiều năm nay, một nhóm giáo viên hưu trí ở Tam Kỳ và nhiều người khác, mỗi khi đi tắm biển ở Tam Thanh vào buổi sáng sớm đều tranh thủ làm thêm một việc nữa, đó là nhặt rác, chủ yếu là rác thải nhựa, để góp phần làm sạch biển.
Trong khi đi dọc bãi biển để khởi động trước khi xuống tắm, nhiều người tranh thủ nhặt những bịch xốp, bao ny lon, vỏ chai nhựa, rong rêu, đầu lọc thuốc lá, xác động vật biển… vương vãi trên bãi biển.
Ngay khi đang tắm biển, những người này vẫn không quên nhặt rác: hễ thấy rác hoặc bịch ny lon dập dềnh tấp vào gần bờ, họ cũng gom nhặt, mang lên để một chỗ cố định trên bờ và khi tắm xong thì đem bỏ vào thùng rác…
Nhờ có công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác thường xuyên và nhờ sự tự giác của một số người đi tắm biển, các bãi tắm của Tam Kỳ ngày càng sạch đẹp, trong lành hơn.
“Tôi tắm biển hằng ngày. Biển Tam Thanh vốn rất đẹp, nếu mình cùng bạn bè nhặt rác làm sạch bãi biển nữa, thì mọi người sẽ cảm thấy thoải mái và thích đến với biển hơn” - chị H. vừa nhặt rác vừa tâm sự.
Lời chị H. khiến tôi nhớ lại chuyện cách đây vài năm, cũng vào ngày hè như thế này, khi tôi ăn trưa cùng đồng nghiệp tại một quán hải sản “nổi”, ven biển khu vực bến cá An Lương (Duy Xuyên).
Trời nắng đẹp, gió mát, thực phẩm tươi ngon, lẽ ra bữa đó rất ngon miệng nếu như tôi không vô tình nhìn rác rến, chủ yếu là bịch ny lon tấp đầy bờ.
Bạn tôi bảo lần sau sẽ cân nhắc khi đến những chỗ như thế này. Nói vậy để thấy, giữ biển đẹp không chỉ giữ môi trường cho chính cư dân miền biển mà còn góp phần thu hút khách phương xa đến với biển xứ Quảng.
Từ khi TP.Tam Kỳ có quy định cấm bán hàng rong ở bãi biển, rác, bao bì đựng thực phẩm, chai nhựa… trên bãi biển giảm hẳn. Mới đây, để phòng chống dịch Covid-19, thành phố đưa ra quy định (tạm thời) mang khẩu trang trước và sau khi tắm biển.
Quy định này là cần thiết, nhưng vô tình lại làm phát sinh một loại rác thải mới: rác khẩu trang. Khẩu trang nổi lềnh bềnh trên biển, có khi vùi lẫn trong cát, không nhiều nhưng trông thật “nhạy cảm” và đáng lo ngại.
Biển Tam Thanh, Tỉnh Thủy (Tam Kỳ) và một số bãi biển khác ở Quảng Nam ngày một sạch đẹp nhờ những người hoặc nhóm tình nguyện nhặt rác. Những lần đi biển ở Điện Bàn, Hội An, tôi cũng thấy nhiều người (đa số là khách nước ngoài) vừa tập thể dục gần biển, vừa nhặt rác. Hễ thấy rác dọc bờ biển là họ nhặt cho vào thùng.
Tuy tất cả đều làm một cách tự nguyện, lặng lẽ như “những người vác tù và hàng tổng” nhưng việc làm này đã lan tỏa mạnh mẽ, để rồi ngày càng có thêm nhiều người cùng tham gia nhặt rác cũng như có ý thức không xả rác ở bãi biển.
Hình ảnh những người đi tắm biển nhặt nhạnh từng bịch ny lon, hay rong rêu, cây mục… rồi gom lại, bỏ vào thùng rác có ý nghĩa và tác dụng gấp nhiều lần những lời hô hào suông, như chia sẻ của một thanh niên Tam Kỳ hay đi biển vào buổi sáng: “Nhờ mấy anh chị nhặt rác ở bãi biển, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với môi trường. Đó không chỉ là ý thức không xả rác ở nơi công cộng mà mình còn có thể tham gia làm sạch môi trường mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng”.