Cuộc đổi đời trên cát

THANH THÚY 08/06/2021 05:52

Sáng sớm, hình ảnh từng đoàn xe đưa rước cán bộ - nhân viên THACO từ các ngả đường đổ về Khu công nghiệp THACO Chu Lai như một dấu hiệu bắt đầu ngày mới đầy sức sống. Có lẽ, gần 20 năm về trước, chẳng ai tại vùng đất Núi Thành có thể tưởng tượng đến một ngày vùng cát nghèo khó quê mình có nhà máy, khu công nghiệp ô tô và hơn hết là giấc mơ "ly nông nhưng không ly hương" trở thành hiện thực.

Khu công nghiệp THACO Chu Lai. Ảnh: S.T
Khu công nghiệp THACO Chu Lai. Ảnh: S.T

Giấc mơ thành hiện thực

Sinh ra ở vùng cát dường như phận đời cũng quắt queo, khô khốc và con đường tương lai trôi tuột, không phương hướng như cát. Chẳng phải tự dưng người dân nơi trảng cát Bà Mù (xã Tam Hiệp, Núi Thành) lại mặc định lý lẽ đời cát - phận người như thế.

Ai đã qua cảnh dãi dầu, hì hục gánh từng gàu nước tưới, ngửa cổ trông trời, mòn mỏi ngóng mưa rồi tuyệt vọng nhìn rau, lúa rũ rượi, cháy xém dưới cát rang, nắng lửa thì mới hiểu nỗi gian truân và khát vọng cháy bỏng của người dân vùng cát về một kế sinh nhai đổi đời.

Nhưng ở thời điểm 20 năm về trước, hầu hết người dân nơi đây chỉ có hai lựa chọn, mà cái giá phải trả đều vô cùng đắt đỏ: hoặc cố bám trụ với nghề nông, sống lay lắt trong nghèo khó ở quê nhà; hoặc ly hương vào Nam kiếm sống với phận đời long đong xa xứ.

Vậy mà giờ đây, vùng đất chỉ rặt xương rồng cát trắng ấy đã trở thành niềm tự hào của biết bao người dân nơi đây. Không cần ly hương, cũng không cần cố bám vào nghề nông bữa đói bữa no.

Khi Khu công nghiệp THACO Chu Lai hình thành cũng là lúc những suy nghĩ về phận đời trên cát ngày xưa được họ gửi lại quá khứ, để chứng kiến những đổi thay đến ngỡ ngàng, xúc động trên quê hương mình.

Quê thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp, anh Lê Văn Phẩm cũng từng trải qua những tháng ngày học hết cấp 3 không biết làm gì đành phơi mình trên ruộng muối, ruộng lúa bạc màu với cuộc sống bấp bênh, cơ cực.

Năm 2003, trong lúc anh đang dùng dằng nửa ở nửa đi khi bạn bè cùng trang lứa lũ lượt vào Nam kiếm sống thì THACO đầu tư vào Chu Lai. Như vớ được chiếc “phao cứu sinh”, anh Phẩm nộp hồ sơ xin việc và được chọn đi học khóa đào tạo sửa chữa, lắp ráp ô tô. Sau 18 tháng, từ một nông dân chân lấm tay bùn, anh trở thành công nhân lắp ráp ô tô với nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Gia đình anh Lê Văn Phẩm có 9 thành viên cùng làm việc tại THACO Chu Lai.
Gia đình anh Lê Văn Phẩm có 9 thành viên cùng làm việc tại THACO Chu Lai.

Đến nay, gia đình anh có 9 thành viên cùng làm việc tại THACO Chu Lai gồm: vợ, em ruột, em rể, anh rể, em dâu, cha vợ, chị vợ và em vợ. Chị Cẩm Hiệp - vợ anh Phẩm chia sẻ trong niềm vui: “Trong số 9 người của gia đình tôi, có 7 người đã làm việc ở đây hơn 10 năm, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều”.

Nhìn vào những tấm bằng khen thành tích xuất sắc của mình, chàng nông dân Lê Văn Phẩm ngày xưa giờ đã là chuyền trưởng chuyền lắp ráp hoàn thiện - nhà máy Thaco Kia.

Anh Phẩm tâm đắc: “Không đâu bằng làm việc ở quê mình, vừa có thu nhập ổn định, vừa gần nhà, tiện bề chăm sóc người thân”. Trong tổng số hơn 9.300 nhân sự đang làm việc tại THACO Chu Lai, có đến hơn 8.300 người là dân Quảng Nam, trong đó gần 6.000 người đang sinh sống tại huyện Núi Thành.

Bến đỗ bình yên

Ngẫm lại, nếu ngày xưa cứ cố bám trụ trong Nam làm công nhân may thì có lẽ cả đời vợ chồng tôi cũng chỉ ở nhà thuê, nín nhịn từng đồng từng cắc cũng không đủ nuôi con. May nhờ về đây, chúng tôi mới có nhà cửa kiên cố, nuôi được hai con ăn học đại học. Tôi rất mừng vì hơn 10 năm trước đã quyết định đúng đắn khi khuyên các em cùng về đây... THACO chính là “ngôi nhà thứ hai” của chúng tôi!”.

(Chị Nguyễn Thị Quý - nhân viên Trường Cao đẳng THACO)

Cùng quê ở xã Tam Hiệp, chú Võ Văn Hòa (công nhân xưởng cắt, bấm dây điện - nhà máy Phụ tùng điện ô tô) hiểu rõ tầm quan trọng của một công việc ổn định sau nhiều năm tháng bám ruộng, bám cát mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chú Hòa nhớ lại: “Ngày xưa ở trảng Bà Mù này chỉ toàn cát trắng mênh mông, cây chẳng mọc nổi mà vẫn phải làm nông nên cái nghèo đeo bám mãi. Từ ngày THACO về đây, tôi “thoát” được nghề nông. Hiện tại, lương của tôi gần 10 triệu đồng/tháng, ở mức khá so với bạn bè tôi làm ngành nghề khác”.

Chứng kiến hoàn cảnh gia đình thay đổi nhờ công việc của cha, hai người con của chú Hòa sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cũng đã vào làm việc tại THACO.

Tại đây, con gái chú là chị Võ Thị Duyên (nhà máy Thaco Kia) đã gặp gỡ rồi nên duyên vợ chồng với anh Phạm Minh Nở (Phó phòng Nhân sự Khối Công nghiệp hỗ trợ), trở thành một trong số hơn 180 cặp vợ chồng cùng làm việc tại THACO Chu Lai.

Không chỉ giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại Quảng Nam, THACO Chu Lai còn là nơi “đất lành chim đậu” đối với người lao động đến từ nhiều tỉnh, thành khác.

Chị Nguyễn Thị Quý - nhân viên Trường Cao đẳng THACO trong ngôi nhà khang trang của mình. Ảnh: THANH THÚY
Chị Nguyễn Thị Quý - nhân viên Trường Cao đẳng THACO trong ngôi nhà khang trang của mình. Ảnh: THANH THÚY

Đứng trong ngôi nhà khang trang tại thị trấn Núi Thành, chị Nguyễn Thị Quý (nhân viên Trường Cao đẳng THACO) cứ ngỡ 18 năm qua như một giấc mơ.

Ngày trước, từ Thanh Hóa lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh, vợ chồng chị và hai con nhỏ phải sống chen chúc trong khu trọ tồi tàn, ẩm thấp. Làm việc quần quật nhưng không đủ chi phí tiền ăn, tiền trọ, nói gì đến chuyện mơ ước có một ngôi nhà nhỏ. Năm 2003, khi THACO đầu tư vào Chu Lai, gia đình chị cùng chuyển về đây làm việc.

Sau hai năm đến vùng đất mới, nhận thấy cơ hội “đổi đời” đã thực sự mở ra, chị Quý thuyết phục gia đình ba người em gái đang chật vật mưu sinh tại TP.Hồ Chí Minh về Chu Lai “đầu quân” THACO. Mới đây, năm 2020, con gái của chị cũng được nhận vào làm tại nhà máy xe tải. Hiện tại, gia đình chị Quý có 10 thành viên đang làm việc tại THACO Chu Lai.

Chị Quý tâm sự: “Ngẫm lại, nếu ngày xưa cứ cố bám trụ trong Nam làm công nhân may thì có lẽ cả đời vợ chồng tôi cũng chỉ ở nhà thuê, nín nhịn từng đồng, từng cắc cũng không đủ nuôi con. May nhờ về đây, chúng tôi mới có nhà cửa kiên cố, nuôi được hai con ăn học đại học.

Tôi rất mừng vì hơn 10 năm trước đã quyết định đúng đắn khi khuyên các em cùng về đây. Đến nay, vợ chồng các em đều có thu nhập ổn định, xây nhà cửa khang trang, các con có điều kiện học hành. THACO chính là “ngôi nhà thứ hai” của chúng tôi!”.

Dưới “mái nhà chung” THACO Chu Lai có nhiều “ngôi nhà nhỏ”, đặc biệt có những gia đình với nhiều thế hệ cùng gắn bó với công ty hàng chục năm qua. Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, những câu chuyện riêng nhưng đều chung một “chỗ dựa” và đều gắn bó và phát triển cùng công ty.

Với họ, điều THACO mang lại không chỉ là một công việc đổi sức lao động kiếm tiền, mà còn là nơi để mỗi người có thể yên tâm phát triển bản thân, xây dựng tổ ấm, lo cho tương lai của con cái.

Và trên hết, THACO Chu Lai đã và đang tạo cơ hội để xây dựng cuộc sống hòa hợp giữa chuyện áo cơm và gắn kết gia đình, gắn bó với quê hương cho hàng ngàn người lao động.

THANH THÚY