Doanh nghiệp du lịch Hội An "đứt gánh" giữa đường!
(QNO) – Hơn 260 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP.Hội An đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc chấm dứt hoạt động. Một bức tranh đầy ảm đạm với cộng đồng doanh nghiệp Hội An, Quảng Nam trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Bế tắc…
Sau nhiều lần mở cửa rồi đóng cửa do dịch bệnh, ngày 2.6 vừa qua ông Lê Ngọc Thuận quyết định đóng cửa đến hết năm khu nhà hàng Deckhoue bên bãi biển An Bàng (Hội An). “Cứ mỗi lần chuẩn bị mở cửa là dịch bệnh bùng phát, thật sự rất nản, bây giờ phải tạm đóng cửa để cắt giảm chi phí vận hành” - ông Thuận nói.
Bình quân mỗi tháng nhà hàng Deckhoue đóng thuế khoảng 5 triệu đồng, chưa tính các chi phí điện nước, trả lương nhân viên.
Trước lễ 30.4 năm nay, ông Thuận đầu tư gần 150 triệu để tổ chức Lễ hội ẩm thực và âm nhạc trên bãi biển An Bàng, nhưng dịch Covid-19 bùng phát, sự kiện không thể diễn ra, mất trắng hàng trăm triệu đồng, doanh nghiệp vốn khó khăn nay càng khốn đốn hơn.
Dịp hè được xác định là mùa cao điểm của du lịch nội địa, tuy nhiên đợt tái bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu tháng 5 năm nay tiếp tục giáng đòn nặng nề vào nỗ lực gượng dậy của các doanh nghiệp du lịch Hội An.
Tại TP.Hội An, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Nhà hàng Deckhoue chỉ là điển hình trong số hàng trăm cơ sở lưu trú, khách sạn, công ty lữ hành phải đóng cửa đến hết năm hoặc vô thời hạn nhằm tiết giảm chi phí vận hành và đóng thuế.
Chỉ riêng lĩnh vực lưu trú homestay và villa du lịch, hơn 90% đã đăng ký tạm dừng hoạt động. Bà Phạm Thị Linh Chi - Chủ tịch Chi hội Homestay & Villa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) cho hay, sau hơn một năm ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay hầu hết doanh nghiệp đều kinh doanh bế tắc, không thể xoay xở cầm cự được. “Tạm dừng hoạt động sẽ giúp chúng tôi đỡ những khoản chi phí cố định nhất là thuế và tiền điện” - bà Linh Chi nói.
Với quy định về thuế khoán, bình quân một homestay 5 phòng, mỗi năm đóng thuế khoảng 8 triệu đồng (không có khách cũng đóng thuế). Tuy nhiên, nặng nhất chính là tiền điện, được tính theo điện sản xuất kinh doanh 2.700/chữ, doanh nghiệp rất chật vật với những chi phí này.
Tại cơ sở lưu trú Mr.Thọ Garden Villas của bà Linh Chi, bình quân mỗi tháng chi phí tiền điện hết 9 triệu đồng. Bà Linh Chi cũng đăng ký ngừng hoạt động villa dịp này, đồng thời xin chuyển chi trả tiền điện từ kinh doanh sang sử dụng thông thường dành cho hộ dân nhưng vẫn chưa được phản hồi.
Khó khăn còn dài
Báo cáo của Chi cục Thuế TP.Hội An cho biết, tính đến hết tháng 5, trên địa bàn thành phố Hội An có 135 doanh nghiệp mới thành lập, nâng số doanh nghiệp trên địa bàn lên con số 1.917 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu duy trì cầm cự.
Tương tự, cũng có 202 hộ kinh doanh mới ra đời, nâng tổng số hộ đăng ký kinh doanh lên con số 4.987 hộ, tuy nhiên thực tế đang hoạt động chỉ có 2.933 hộ, còn lại tạm dừng kinh doanh, thậm chí 121 hộ nghỉ hẳn.
Riêng các cơ sở, doanh nghiệp, tính đến ngày 2.6.2021 (ngày cuối nhận đơn tạm dừng kinh doanh cho 6 tháng cuối năm) đã có 139 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, lũy kế số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lên con số 198 đơn vị; 62 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và bỏ địa chỉ kinh doanh.
Năm 2021, Chi cục Thuế TP.Hội An được tỉnh giao thu 432 tỷ đồng, thành phố giao 792 tỷ đồng (thêm tiền đất), nhưng đến nay mới thực hiện 176 tỷ (khoảng 40% dự toán). Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm 30% và tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế 5 tháng cho hầu hết các loại thuế.
Ông Phùng Nhanh – Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Hội An cho biết, việc nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động vì kinh doanh du lịch khó khăn khiến nguồn thu ngân sách địa phương sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài nguồn thu từ phí, vé tham quan không đạt (5 tháng đầu năm chỉ khoảng 2 tỷ đồng/38 tỷ đồng được giao), đạt 5,3% so với dự toán, giảm 93,3% so với cùng kỳ thì nguồn thu từ khai thác quỹ đất khá thấp, chỉ 40 tỷ đồng/470 tỷ đồng được giao.
Dự báo tình hình này khó thể được cải thiện vì hầu như kinh tế Hội An phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch. Trong khi theo phân tích, phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể phục hồi, nếu vắc xin Covid-19 được tiêm rộng rãi. Đồng nghĩa, hoạt động của doanh nghiệp du lịch Hội An, Quảng Nam sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.