Phố, chưa hết long đong
Một chiếc thuyền rò nước ngắc ngoải giữa lòng sông, mấy chiếc khác còn lại cũng trong đội thuyền “Hội An show” nằm trơ trọi góc bãi cạn sông Hoài. Những con thuyền đó, giờ như phảng phất hình ảnh du lịch đô thị cổ Hội An qua mấy mùa triền miên vật lộn với dịch bệnh…
1. Ba giờ chiều, bà Đào nằm ngáp ngắn ngáp dài trên chiếc ghế bố; mấy thùng trà tắc, nước chanh trước mặt vẫn còn ê hề. “Mọi hôm không dịch, khách họ mua lai rai, bán túc tắc một buổi là hết hàng. Gần cả tháng trời bán mang đi thì ít người mua hẳn, bữa ni là bắt đầu cho bán tại chỗ lại rồi nhưng mà cũng hẻo lắm” - bà Đào than vãn.
Lệnh giãn cách đã được nới lỏng nhưng góc phố nơi cầu An Hội vắng ngắt, đội đạp xích lô tản mác về nhà, quầy vé tham quan nhỏ cũng đóng sạp tạm nghỉ. Dãy cửa tiệm thì đã “ngủ trưa” được mấy giấc, trên khung cửa lác đác tờ rơi mời chào sang quầy, bán nhà.
Đã hơn 3 tuần, Hội An chưa có ca Covid-19 trở lại, nhưng tình thế chung từ các khu vực lân cận, nhất là Đà Nẵng khiến nơi đây vẫn phải thu mình phòng chống dịch. Đô thị cổ này trước giờ phồn thịnh cũng nhờ vào việc quảng giao.
Thế mà, lực lượng chức năng thành phố giờ chỉ quản lý hơn 1.000 người nước ngoài còn lưu trú, tạm trú, tỉ mẩn rà soát 62 người từ Đà Nẵng ra vào làm việc hàng ngày để phòng dịch thì Hội An xem chừng còn long đong dài.
Từ đận chưa bùng dịch lại, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An đã trăn trở: “Có mấy người nhắn mình là cỡ tám, chín giờ tối có khi dân địa phương cũng không dám vô phố cổ nói chi khách, vì tối mù chẳng có bóng người. Khổ nỗi, cứ mỗi lần Hội An ngóc dậy một chút và tính đường kích cầu du lịch thì lại dính dịch”. Quá tam ba bận, nhưng đợt lễ lạt vừa rồi Hội An vẫn lại quay mòng mòng theo dịch, bao nhiêu con tính phục hồi lại đổ sông, đổ bể.
Tính sơ từ đầu năm ngoái đến nay, nước ta trải qua 4 “sóng” dịch lớn, thì “sóng” nào Hội An cũng lãnh đủ. Từ dạo bùng phát vào tháng Hai năm ngoái, đến mùa hè, sang Tết Nguyên đán rồi mới nhất là dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, toàn trúng mấy thời điểm mà ngành du lịch thành phố bám víu để mong gỡ gạc cho hai năm thất bát.
Chẳng còn thảng thốt như trong đợt dịch mới nhất, người Hội An bình thản đón nhận - cái bình thản chẳng đặng đừng, bởi đường nào thì ngành du lịch cũng “đóng băng” rồi.
Dịch giã làm người dân ở đây nghèo đi trông thấy. Năm 2020, thu nhập trung bình tính theo đầu người ở Hội An giảm gần 14 triệu đồng. Xót hơn, điều này khiến mức thu nhập của họ thua cả mức trung bình nhiều huyện khác trong tỉnh.
Ông Phùng Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hội An thông tin, từ giữa tháng 2.2020 đến nay đã có hơn 14 nghìn đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố bị mất việc làm, đây là một tác động chưa có tiền lệ. Đến tháng 3.2021, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ còn hơn 300 đoàn viên, người lao động của 53 công đoàn cơ sở trực thuộc so với con số hơn 5.000 vào đầu năm 2020.
“Đến nay, nhiều công đoàn cơ sở chỉ còn 2 đến 5 đoàn viên, người lao động còn hợp đồng và tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Số lao động mất việc chủ yếu phải tạm thời chuyển đổi ngành nghề để trang trải cuộc sống hàng ngày, dễ thấy nhất là bán hàng online” - ông Phùng Hữu chia sẻ.
Đợt rồi, Hội An có mấy trăm F1 phải đi cách ly. Mọi người vẫn hay bông đùa với nhau là nhiều F1 trong số này thậm chí thấp thỏm với số tiền 80 nghìn đồng/ngày phải đóng để ăn uống theo quy định hơn là ám ảnh về sự gò bó, bất tiện, rủi ro lây chéo trong sinh hoạt khi ở khu cách ly tập trung. Nếu linh động thì họ sẵn sàng ăn gói mì, cái bánh để lót dạ tạm qua ngày. Cũng may, một vài cơ sở, hàng quán đã tình nguyện đứng ra nấu hàng ngàn suất ăn hỗ trợ.
2. Bây giờ đã là đầu tháng 6, học sinh vừa bước vào kỳ nghỉ hè. Thường khi đây là mùa khách nội địa bắt đầu cao điểm nhưng việc đón khách rầm rộ trở lại nghe chừng vẫn xa xôi.
Một quản lý khách sạn ở phường Cẩm An than thở: “Lâu nay, cứ vô mùa hè là khách từ miền Bắc, nhất là Hà Nội ùn ùn đổ vào xả hơi, nghỉ dưỡng. Giờ mình coi như đã lắng dịch đi, nhưng ngoài đó vẫn cứ nổ ca lụp bụp hàng ngày thì lấy đâu nguồn khách để đón. Cứ thế lần quần thêm tháng, hai tháng nữa thì coi như mất trắng luôn mùa hè để các cơ sở du lịch Hội An gỡ gạc cầm cự”.
Năm 2020, cả nước có 5 địa phương tăng trưởng âm thì miền Trung chiếm hết 4 và đều là các tỉnh thành phát triển mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.
Tỉnh còn lại là Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một điểm đến du lịch tiếng tăm. Thế là, các địa phương dù muốn hay không cũng phải tính giải pháp ngắn hạn để xốc lại nền kinh tế. Trong phạm vi của từng tỉnh, phần nhiều đều có bước tiến triển khả quan trong năm nay. Như chính Quảng Nam, thu ngân sách 4 tháng đã đạt 50% kế hoạch. Khổ nỗi với Hội An, bỏ ngỏ du lịch thì không còn gì để mà bấu víu.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nhận định: “Phải chia sẻ với Hội An. Đúng là không có cách gì để thành phố thực hiện tốt được mục tiêu kép. Năm 2020, 2021 thì chắc chắn là thu không đạt rồi và có khả năng là sang cả năm 2022 nữa cũng rất chật vật. Thôi thì Hội An trước mắt cứ cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu chống dịch Covid-19”.
3. Hội An “bỏ hết trứng vào một giỏ” cũng là chuyện đã rồi. Thế khó của di sản này từ lúc bắt đầu là việc họ chỉ có “một giỏ” để bỏ, và chẳng có sự lựa chọn nếu không muốn mãi chập chờn với cái nghèo. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, giai đoạn 2021 - 2022 thành phố đang tìm các giải pháp để giảm phụ thuộc vào ngành kinh tế du lịch.
“Rất khó nhưng cũng phải tính. Đơn cử như trước đây thành phố có chủ trương xóa hết hoạt động nuôi trồng thủy sản vì ảnh hưởng tới du lịch nhưng bây giờ thì chúng ta phải tính và quy hoạch lại một số khu vực ít tác động. Hội An cũng hầu như không có một cơ sở công nghiệp có thể đóng góp cho ngân sách địa phương vài chục tỷ đồng nên rõ ràng cần phải định hướng lại” - ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Ông Phạm Vũ Dũng - Giám TNHH du lịch dịch vụ Hoa Hồng bộc bạch: “Từ tháng 6 năm ngoái, chúng tôi phải bán bớt xe du lịch vì không thể nào chịu nổi gánh nặng vận hành, bảo dưỡng. Sau đó, đơn vị bước vào giai đoạn tái đầu tư với siêu thị sạch, vườn hữu cơ”. Thương mại, nông nghiệp là một “cái giỏ” mới để doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương lần mò “bỏ trứng”. Nhưng e rằng, ở Hội An những “cái giỏ” mới mẻ nêu trên cũng chỉ lọt thỏm trong “cái giỏ” lớn du lịch mà thôi.
Hôm rồi, ông Hùng - một chủ tiệm sách lại lọ mọ lên cơ sở y tế để hỏi thăm về tiêm vắc xin Covid-19 dịch vụ. Nếu có, ông sẵn sàng kết nối, vận động một số nguồn góp thêm kinh phí mong muốn sớm tiêm vắc xin cho người dân. Chẳng riêng ông Hùng, những người làm du lịch ở Hội An cũng nhấp nhổm chờ vắc xin.
Ở đâu nghi ngại, e dè chứ người Hội An thì rất sốt ruột được tiêm để đẩy lui đại dịch. Có lẽ họ còn mong được xung phong tiêm như cách Quảng Nam tiên phong xin thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian tới. Họ trông được tiêm vắc xin để rồi bình thường hóa dần đi cuộc sống, để du lịch được hồi sinh trên mảnh đất này...