Nhân ngày Môi trường thế giới 5.6: Phục hồi hệ thống sinh thái

NAM VIỆT 04/06/2021 19:25

(QNO) - Trước thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu, phục hồi hệ thống sinh thái đóng vai trò cực kỳ quan trọng để bảo vệ môi trường và tương lai của hành tinh.

Pakistan sẽ trồng nhiều cây xanh để đối phó với hiệu ứng nóng lên toàn cầu
Pakistan trồng nhiều cây xanh để đối phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Internet

Năm 2019, Pakistan với sự hậu thuẫn của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) khởi động dự án “Sóng thần 10 tỷ cây xanh vào năm 2023”.

Pakistan là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Quốc gia Nam Á với dân số 200 triệu người này đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm lũ lụt và hạn hán diễn ra thường xuyên hơn, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và nguồn nước.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 24% dân số Pakistan sống trong cảnh nghèo đói, điều này khiến họ có nguy cơ cao hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Năm 2019, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố thập kỷ 2021 - 2030 là “Thập kỷ Liên hiệp quốc về phục hồi hệ sinh thái”. Theo đó, ngày Môi trường thế giới năm (5.6) năm nay có mục tiêu chung là phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá của không gian tự nhiên.

Phục hồi hệ sinh thái có thể có nhiều hình thức khác nhau như trồng rừng, phủ xanh thành phố, cải tạo vườn, thay đổi chế độ ăn uống hoặc làm sạch sông ngòi và bờ biển...

Bởi vậy, dự án trồng hàng tỷ cây xanh đang diễn ra tại Pakistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới là một ví dụ cụ thể để góp phần ngăn chặn, đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và mọi đại dương.

Vì lợi ích của con người và thiên nhiên, giảm hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu..., phục hồi hệ thống sinh thái góp phần vào việc thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, bao gồm sức khỏe, nước sạch, hòa bình và an ninh cũng như các mục tiêu của Công ước Rio về khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa.

Theo UNEP, sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hằng năm do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái.

Từ nay đến năm 2030, việc phục hồi 350 triệu héc ta hệ sinh thái trên cạn và dưới nước bị suy thoái có thể tạo ra 9.000 tỷ USD cho các dịch vụ hệ sinh thái, tạo việc làm, giảm nghèo…; hấp thu thêm 13 - 26 tỷ tấn khí thải nhà kính từ khí quyển.

Trong khi đó, chi phí phục hồi trên cạn toàn cầu không bao gồm chi phí khôi phục các hệ sinh thái biển - ước tính lên tới ít nhất 200 tỷ USD vào năm 2030.

Nhưng báo cáo của UNEP chỉ ra rằng, cứ 1 USD đầu tư vào phục hồi tạo ra tới 30 USD lợi ích kinh tế. 

NAM VIỆT