"Vài giây rửa tay - cứu ngay mạng sống"
Rửa tay không mất nhiều thời gian nhưng mang lại nhiều lợi ích để ngăn ngừa bệnh tật, nhất là trong đại dịch Covid-19. Có thể nói, thói quen đơn giản này đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của chính bạn, gia đình và cộng đồng.
Nhân Ngày vệ sinh bàn tay thế giới năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nhân viên và cơ sở y tế đạt được hành động vệ sinh tay hiệu quả tại điểm chăm sóc. Điểm chăm sóc được đề cập đến là nơi mà 3 yếu tố kết hợp với nhau: bệnh nhân, nhân viên chăm sóc sức khỏe và việc chăm sóc hoặc điều trị liên quan đến tiếp xúc với bệnh nhân hoặc môi trường xung quanh họ.
Để có hiệu quả và ngăn ngừa lây truyền vi sinh vật lây nhiễm trong quá trình chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tay cần được thực hiện khi cần thiết (tại 5 thời điểm cụ thể), bao gồm rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi tiếp xúc với máu và dịch cơ thể, sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi chạm vào đồ vật và bề mặt xung quanh người bệnh.
Bộ Y tế phát động Tháng hành động hưởng ứng Ngày vệ sinh bàn tay thế giới 5.5 với chủ đề “Vì một Việt Nam sạch khuẩn từ đôi tay”. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức giữ tay sạch khuẩn không chỉ gói gọn trong đội ngũ nhân viên y tế mà cần mở rộng ra cộng đồng.
Nếu các cán bộ y tế rửa tay sạch khuẩn để bảo vệ sức khỏe cho người dân được họ chăm sóc, thì người dân cũng cần có ý thức rửa tay sạch khuẩn để góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cả cộng đồng. Thông điệp: “Chúng tôi đã rửa tay vì bạn, bạn hãy rửa tay vì cộng đồng” nhằm góp phần thực hiện triệt để yêu cầu “5K” của Bộ Y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay được coi là liều vắc xin tự chế, rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng.
Theo đó, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, vi rút gây bệnh tiêu chảy, bệnh đã làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm 35 - 47% nguy cơ các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn...
Trong hai giai đoạn của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như mở cửa đường bay quốc tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.
Chính vì vậy, các biện pháp dự phòng cá nhân cần được duy trì để ngăn ngừa dịch bệnh. Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp phòng Covid-19 có hiệu quả, chi phí thấp và có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Quy trình rửa tay cần đảm bảo làm sạch các ngón tay, mu bàn tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay. Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu là 30 giây. Cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; rửa tay sau khi ho, hắt hơi mà phải dùng tay che miệng, sau khi tiếp xúc với đồ vật công cộng có nguy cơ nhiễm vi rút cúm, bắt tay với người nghi nhiễm cúm...