Giải phóng mặt bằng ở Thăng Bình: Chú trọng "dân vận khéo"
Chú trọng công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận của người dân là giải pháp mà Thăng Bình đang tập trung thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai các dự án trên địa bàn.
Chuyển biến tích cực
Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án trọng điểm, ngày 5.4.2021, Huyện ủy Thăng Bình đã quyết định thành lập Tổ tuyên truyền, vận động thực hiện bồi thường, GPMB (gọi tắt là Tổ dân vận).
Ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình kiêm Tổ trưởng Tổ dân vận cho biết, sau khi được thành lập, Tổ dân vận đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan, địa phương có các dự án lớn. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nhất là nắm bắt tình hình người dân bị ảnh hưởng để xây dựng kế hoạch, lịch làm việc cụ thể. Đến nay, công tác tuyên truyền, vận động đã đạt được nhiều kết quả.
Đối với dự án đường nối từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ (QL) 1 (tại ngã ba Cây Cốc) và đường nối từ QL 1 đến nút giao thông cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các gia đình ông Nguyễn Quang Minh (Bình Minh), Trần Mai, Trương Điển (Bình Đào), Lê Văn Xử (Hà Lam) nhờ được vận động tuyên truyền, đã đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư.
Đối với dự án cầu Bình Đào, nhờ vận động được các hộ Nguyễn Đức Tiến, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Thị Nhiên, Nguyễn Nhanh nên đến nay cơ bản đã bàn giao mặt bằng để thi công cầu.
Đối với dự án đường nội thị Hà Lam, đã tuyên truyền, vận động thành công các hộ Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Thị Lựu thống nhất phương án bồi thường, đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, chỉ trong 2 tháng triển khai, Tổ dân vận đã tổ chức hơn 30 buổi trao đổi, thuyết phục người dân bằng nhiều hình thức gặp gỡ, đối thoại, vận động.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe người dân nói, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, Tổ dân vận cùng chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các thiếu sót, bất cập trong quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân. Đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân.
“GPMB vốn là công việc khó khăn, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, khó lường. Do đó, nguyên tắc trong công tác dân vận để GPMB của huyện là phải thiết thực, trọng tâm, đề xuất linh động tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Linh hoạt hơn
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thăng Bình có các dự án như: xây dựng tuyến đường vành đai ven biển song song với tuyến đường Võ Chí Công, tuyến ĐH25 (Bình Trung đi Bình Phú), cầu qua sông Trường Giang trên tuyến ĐT613, cầu Tây Giang (Bình Sa đi Bình Hải), cầu Bình Giang (Bình Giang đi Bình Dương), tuyến đường từ Khu công nghiệp Nam Thăng Bình đến Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, đường tránh lũ vành đai bắc Thăng Bình, nâng cấp tuyến ĐT612 từ Bình Quý đi Tiên Sơn (Tiên Phước)...
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, công tác dân vận cần đi trước một bước để đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các dự án. Để thành công, nhất định phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, tổ chức liên quan, nhất là quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Vai trò của chính quyền các cấp là rất quan trọng vì có thẩm quyền trực tiếp giải quyết cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư.
“Kỹ năng thuyết phục, vận động của thành viên Tổ dân vận cần phải vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa đảm bảo đúng nguyên tắc của pháp luật. Đồng thời, các thành viên trong tổ cần am tường lĩnh vực vận động, lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để phối hợp chính quyền địa phương có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân” - ông Phan Công Vỹ nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, để dân vận trong GPMB đạt kết quả tốt trong thời gian đến thì cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư phải thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Do vậy, với trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận, cần rà soát, xem lại cơ chế, chính sách áp dụng đã đúng hay chưa để có hướng trao đổi, thuyết phục, giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
“Thời gian tới, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động phải làm từng bước chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từ khảo sát thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân đến xác định nội dung cần trả lời, giải thích. Từ đó, phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho từng thành viên, xác định thời gian, địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.