Đồng quản lý tài nguyên ở Cù Lao Chàm: Giải pháp sinh kế bền vững
Chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan để quản lý, khai thác và phát triển sinh kế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn là phương thức đồng quản lý đang được áp dụng hiệu quả trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An.
Nhiều mô hình hiệu quả
Năm 2012, mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm được xây dựng, trong đó cua đá được khai thác, kiểm soát theo quy trình và tiêu chí cụ thể.
Kết quả là giá cua đá 400 nghìn đồng/kg (năm 2012) đã tăng lên 1 triệu đồng/kg (năm 2020), mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, tạo thương hiệu “cua đá Cù Lao Chàm”.
“Đây là mô hình quản lý tổng hợp, tất cả ngành, nghề có liên quan và mọi thành phần xã hội cùng chung tay; từ người dân, chính quyền, các nhà khoa học đến doanh nghiệp cùng chung tay quản lý. Trong mô hình, cua đá được bán theo câu chuyện - thương hiệu” - TS.Chu Mạnh Trinh (cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Hội An) cho biết.
Một mô hình hiệu quả khác là Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm). Người dân địa phương được giao hơn 19ha mặt nước của khu bảo tồn biển để tự tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản và phát triển dịch vụ.
Sau 10 năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được mong đợi của người dân, từ chỗ sinh kế bấp bênh đến nay ngư dân Bãi Hương đã nâng cao thu nhập khi khai thác và tổ chức các tour du lịch. Sau thành công của tiểu khu này, người dân xã đảo Tân Hiệp tiếp tục làm chủ công nghệ, hỗ trợ khu bảo tồn biển xây dựng các vườn ươm, phục hồi hơn 6.000 tập đoàn san hô cứng từ năm 2012 đến năm 2020.
Ông Trần Hoàn - Phó ban Quản lý Tiểu khu thôn Bãi Hương nói: “Lợi ích trước mắt là bảo vệ được rạn san hô, san hô nguyên vẹn thì mới có khách du lịch đến tham quan. Thứ hai là bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Hiểu lợi ích đó nên bà con bảo vệ, gìn giữ”.
Đặc biệt, những ngư dân tham gia mô hình này đã thực sự trở thành các “chuyên gia”, đủ khả năng tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các khu bảo tồn, địa phương khác trên cả nước. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước, cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sinh kế song hành với các mục tiêu của khu bảo tồn biển.
“Người dân hiểu rõ tài nguyên là tài nguyên của cộng đồng, vì thế họ cùng với khu bảo tồn biển và chính quyền địa phương chung tay giữ gìn để đảm bảo sinh kế lâu dài. Trong tương lai, ban quản lý khu bảo tồn biển sẽ tiếp tục giao mặt nước để cộng đồng tổ chức trồng san hô, tạo sinh cảnh để phát triển dịch vụ lặn biển” - ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Hội An, cho biết.
Quản trị hệ thống
Được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2029, đến nay tài nguyên thiên nhiên của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An không những được bảo tồn mà còn thu hút sự vào cuộc của “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).
Đáng quan tâm là phương thức phát triển sinh kế bền vững cho người dân dựa trên chuỗi giá trị sản phẩm - dịch vụ đã góp phần tạo việc làm cho cộng đồng, quản lý, giữ gìn và phát huy các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký (Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An) cho biết: “Bản chất của mô hình đồng quản lý là sự chia sẻ quyền và trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan để quản lý, khai thác và phát triển sinh kế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn.
Việc xây dựng mô hình đồng quản lý dựa trên chuỗi giá trị của tài nguyên, nguồn tác động và được đặt trong bối cảnh của TP.Hội An đã tối ưu hóa công cuộc bảo tồn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Phát huy tính ưu việt và sự thành công của mô hình đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên, các tổ tự quản như xe ôm, thuyền vận chuyển, lưu trú, thuyết minh viên, nấu ăn ở Cù Lao Chàm; tổ tự quản thúng chai ở xã Cẩm Thanh; nghiệp đoàn xích lô trong khu phố cổ… lần lượt ra đời theo phương thức đồng quản lý.
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, cho rằng mô hình đồng quản lý tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An là mô hình quản trị hệ thống.
Quản trị có sự tham gia của cộng đồng, tức là cộng đồng tham gia gồm dân chài, du khách, hướng dẫn viên, doanh nghiệp, cán bộ tuyên truyền, ban quản lý khu bảo tồn biển, chính quyền cấp xã và cả TP.Hội An… Đó là điều đáng nói nhất đối với Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An.
Trên thực tế, mô hình đồng quản lý đã được Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An áp dụng sâu rộng từ cơ cấu tổ chức, khung định hướng, kế hoạch, quy chế quản lý cho đến các mô hình cụ thể.
“Tất cả được thực hiện với tôn chỉ là thu hút sự tham gia của các bên liên quan để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên, qua đó tạo sinh kế cho người dân” - Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo nói”.