Cam kết bỏ thuốc lá
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” nhân ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) năm nay.
Theo WHO, việc sử dụng thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như các bệnh về phổi, tim mạch, hô hấp ở cả trẻ em, người lớn và hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh, WHO kêu gọi mọi người hãy kiên quyết nói không với thuốc lá.
Nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn tới 50%. Vì vậy, bỏ thuốc là điều tốt nhất mà người hút thuốc có thể làm để giảm nguy cơ mắc vi rút corona, ung thư, bệnh tim và hô hấp”.
Tuy vậy, WHO chỉ ra rằng, chỉ 3 - 5% những người cố gắng bỏ thuốc lá mà không có sự hỗ trợ y tế chuyên nghiệp, cho thấy sự cần thiết của sự hỗ trợ chuyên môn khi bỏ thuốc lá.
Vào cuối năm 2021, WHO khởi động một chiến dịch toàn cầu “Cam kết bỏ thuốc lá” kéo dài một năm cho ngày Thế giới không thuốc lá 2021 khi đại dịch khiến hàng triệu người sử dụng thuốc lá thừa nhận rằng họ muốn bỏ thuốc lá.
WHO đã làm việc với các đối tác và quốc gia trên toàn cầu để thực hiện những biện pháp kiểm soát thuốc lá nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá một cách hiệu quả.
Tại Vương quốc Anh, số người bỏ hút thuốc đạt tỷ lệ cao nhất trong hơn 10 năm qua, phần lớn được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19.
Vào năm 2020, tỷ lệ bỏ thuốc lá được ghi nhận thành công tại Anh, tăng 23% so với năm trước đó, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Bộ trưởng Y tế công cộng Anh Jo Churchill cho biết: “Việc chăm sóc bản thân chưa bao giờ quan trọng hơn, bỏ hút thuốc là một cách tuyệt vời để bắt đầu. Với tỷ lệ hút thuốc đã ở mức thấp nhất mọi thời đại vào năm 2020, có nhiều người ngừng hút thuốc hơn bao giờ hết. Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, cải thiện sức khỏe và giúp nước Anh trở thành một xã hội không khói thuốc vào năm 2030”.
Tương tự, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo, tỷ lệ hút thuốc lá tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục năm 2018 do người dân ngày càng có xu hướng bỏ hút thuốc kể từ khi CDC Mỹ bắt đầu khảo sát vào những năm 1960.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lá điện tử tại Mỹ, nhất là trong độ tuổi thanh thiếu niên, tăng lên 3,2% năm 2018 so với năm 2017.
Trong khi đó, WHO khuyến cáo, thuốc lá điện tử cũng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều hóa chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Do đó, hiện nhiều bang tại Mỹ cấm hình thức hút thuốc này.